Không xa Trường Sa Kỳ cuối: Chung sức vì Trường Sa

Không khoảng cách

Đối với mỗi người con nước Việt, khi nhắc về Trường Sa thì trong ai cũng dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Minh chứng là nhiều phong trào, hoạt động có hiệu quả, chung sức hướng về Trường Sa, đặc biệt là phong trào xã hội hóa để xây dựng các công trình dân sinh trên đảo, đã làm dậy lên làn sóng yêu nước rất mạnh mẽ, trở thành phong trào lớn lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, cho biết: “Trong những năm qua, 35 đảng bộ, chi bộ thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có nhiều đóng góp nhiệt thành, góp sức cùng xây dựng Trường Sa”. Ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chia sẻ: “Mỗi lần phát động chương trình vì Trường Sa, các đơn vị trong khối hưởng ứng rất nhiệt tình, trên mức mong đợi. Đây là lần đầu tiên bản thân tôi đến với Trường Sa; những nơi mà chúng tôi đi qua sẽ là nguồn tư liệu quý để về tuyên truyền trong từng đảng viên, góp phần nhân lên phong trào vì Trường Sa trong toàn khối”.

Hơn 90 triệu người con nước Việt nguyện chung sức giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương là đơn vị có truyền thống phối hợp với Hải quân Vùng 4 thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa, y tế trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Đến nay, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã tròn 20 tuổi, hàng năm quỹ trao khoảng 5.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi, rèn luyện tốt. Quỹ đầu tư theo chiều sâu với đa dạng các mô hình: Dự án mở đường đến tương lai, dự án ươm mầm tương lai, dự án chắp cánh ước mơ, dự án chắp cánh tương lai… Quỹ cũng đã ban hành giải thưởng Vừ A Dính, nhằm tôn vinh các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển của miền núi và dân tộc.

Bước chân của các thành viên “Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” đã rong ruổi nhiều địa phương có biển, đảo: Đà Nẵng, Cam Ranh, Côn Đảo, Trường Sa; có mặt cùng với chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, chiến sĩ không quân, ngư dân để hòa nhập và sẻ chia với nơi đầu sóng ngọn gió còn lắm khó khăn.

Hôm đoàn công tác khởi hành, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, đích thân ra tận Cảng quốc tế Cam Ranh tiễn đoàn và đón đoan về trong sự hồ hởi, tự hào và mến yêu, vì tâm huyết của bà được các cộng sự mang đi gieo yêu thương trên các đảo. Năm nào cũng thế, dù sức khỏe có hạn, nhưng bà Trương Mỹ Hoa lại đưa mọi người từ Sài Gòn vào, rước về, ngồi xe đò nghe mọi người kể chuyện thăm Trường Sa và đi vận động xã hội cho những chuyến thiện nguyện tiếp sau.

Những cặp vợ chồng trẻ như Lê Minh Hơn và Phan Nguyễn Xuân Thùy là những cá nhân điển hình cho phong trào quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Hiểu để thêm yêu Trường Sa…

Nói đến sự phát triển bền vững của các đảo, phải nói đến vai trò của những công dân trên đảo.

Vợ chồng Lê Minh Hơn và Phan Nguyễn Xuân Thùy đều là những người trẻ thuộc thế hệ 9X, hưởng ứng lời kêu gọi, tình nguyện ra đảo sinh sống gần năm nay và cuộc sống ngày càng ổn định. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà đôi vợ chồng trẻ, mọi người đều ngạc nhiên trước sự tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ, tiện nghi của ngôi nhà nhỏ. Hai chiếc tủ lạnh trữ đầy cá, thịt; trong nhà đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết, mà đặc biệt là sữa cho cháu nhỏ.

Là phụ nữ, vượt hải trình gần 10 ngày, hơn 1.000 hải lý nhưng bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh, luôn tay với máy ảnh, không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc cũng như cảnh đẹp nào, bởi lẽ bà cho rằng những hình ảnh, những thước phim này sẽ là nguồn tư liệu quý để bà lồng ghép, minh chứng cho các bài giảng chính trị của mình, vì bà cho rằng không gì nhanh thấm bằng cái thật và chính nó giúp thông điệp đi nhanh từ trái tim đến trái tim.

Khi thời tiết thuận lợi, các tàu hải quân, tàu kiểm ngư cứ nối đuôi, rẽ sóng mang tình yêu thương từ đất liền đến với Trường Sa.

Gặp ai, bà Cúc cũng khoe: Cô bé Phạm Tiểu My, ca sĩ Đoàn Văn nghệ xung kích tỉnh Tây Ninh, phát biểu một câu mà bà thấy vui và hứng khởi, rằng “ra đây mới thấy những thông tin mất đảo trên các trang mạng xã hội đều là xuyên tạc và không có cơ sở; những anh cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn ngày đêm giữ đảo. Khi về đất liền, nhất định sẽ tuyên truyền cho gia đình, đồng nghiệp, bạn bè hiểu và có sự chia sẻ kịp thời với những đảo còn lắm khó khăn này”.

Anh Huỳnh Đức Phong, cán bộ dân quân tự vệ trên đảo Sinh Tồn, cho biết: “Ngoài lương cơ bản hơn 1,5 triệu đồng hàng tháng, sau những giờ làm nhiệm vụ, có thể tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ những mẻ lưới gần bờ. Từ cuộc sống ổn định mà người dân nơi đây gắn bó mật thiết hơn đối với nơi mình đang định cư”.

Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, kiêm Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, dần trở thành người thân của những người dân trên đảo và các chiến sĩ nơi đây. Khi được hỏi có nhận xét gì về đồng chí Tuấn Anh, nhiều người dân cứ nói đùa rằng “đảo trưởng” Nguyễn Tuấn Anh còn ở đây thì bà con cũng nguyện ở đây, cống hiến gì được sẽ cống hiến hết mình để cùng chung sức giữ đảo.

Trung tá Trịnh Hồng Khởi, Giám đốc Công ty Tân Cảng miền Trung, thuộc Quân cảng Sài Gòn, bộc bạch: “Ở các đảo nổi: Đá Tây B, đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn…, công ty đều có cửa hàng cung ứng xăng dầu cho tàu ghe tránh, trú bão hoặc các ghe bị sự cố khi khai thác biển dài ngày. Quanh các ụ tàu gần đó, tàu ghe thường xuyên vào lấy nước miễn phí cho những chuyến biển. Nghĩa tình quân – dân nơi đây ngày càng khắng khít, bền chặt”.

Về đất liền đã lâu, từ chỗ không biết, không thuộc thì đến nay tất cả mọi người trong các đoàn công tác đều thuộc nằm lòng bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” và nó cứ vang mãi như nhắc tới tình yêu thương trong mỗi người và chúng tôi luôn nhớ những lời hát sâu sắc ấy: “Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa hát tiếp bài ca về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *