Nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc, người đứng đầu sẽ bị phạt

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xác định rõ chủ thể để Nghị định áp dụng hiệu quả trên thực tế.

Cụ thể, Điều 34 của Nghị định quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…

Như thế có thể thấy, điểm mới của Nghị định này là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định chủ thể, tức người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hoàn cảnh, công việc cụ thể để áp dụng hiệu quả trong thực tế.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chúng ta hiểu trong cơ quan, tổ chức, nếu người quản lý điều hành cơ quan, doanh nghiệp (DN) mà để nhân viên của mình uống rượu, bia trong giờ làm việc, tại nơi làm việc sẽ bị xử phạt đến 5 triệu đồng. Người lao động có thể bị phạt đến 3 triệu đồng khi có hành vi uống rượu, bia trong thời gian nghỉ giữa giờ làm việc. Chúng ta hiểu để tránh bị phạt trong những trường hợp nêu trên. Việc phạt cũng không khó, nếu các cơ quan có chức năng phát hiện trong thời gian nêu trên mà DN, tổ chức, hoặc nhân viên uống rượu, bia thì lập biên bản, làm căn cứ xử phạt… Tới đây, cũng phải có Thông tư hướng dẫn những trường hợp phát sinh có vướng mắc khi triển khai Nghị định này. Ví dụ: Ai là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trên? Hiện nay chưa có quy định cụ thể về ai là người đứng đầu của các tổ chức trên. Chỉ có thể xác định người đứng đầu thông qua các chức danh quản lý và lãnh đạo của các tổ chức”.

Hiện nay, khái niệm về người đứng đầu còn rất mơ hồ, khó định hình, như với tổ chức kinh tế theo Luật DN. Dựa trên Điều lệ DN, ta có thể xác định người đứng đầu theo Điều lệ DN. Hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX được thành lập theo quy định của Luật HTX: Dựa vào Điều lệ HTX ta có thể xác định được cơ quan quản lý HTX là Hội đồng quản trị với người đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, bên cạnh đó còn bao gồm Giám đốc (tổng giám đốc) HTX, liên hiệp HTX. (Điều 37, 38 Luật HTX 2012).

Nghị định có nhiều điểm mới, trong đó có quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm mà Nghị định điều chỉnh.

Các tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại: Người đứng đầu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác định dựa trên điều lệ tổ chức kinh tế đó có thể là giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng thành viên… Người đứng đầu văn phòng đại diện được xác định theo Điều lệ văn phòng đại diện.

Các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam: Người đứng đầu xác định dựa trên Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Cán bộ, công chức 2008 và quy định pháp luật khác có liên quan. Tổ hợp tác: Người đứng đầu là Ban điều hành tổ hợp tác theo quy định tại Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác…

“Từ đó chúng ta thấy rất khó xử lý đối với hành vi nêu trên, phải xác định được chủ thể thì xử phạt dễ, nếu sai thì dễ bị khởi kiện… Một số cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn”, Luật sư Tuấn cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *