Phải sâu sát từng hộ dân, tránh tình trạng tái nghèo

Đoàn đến khảo sát mô hình chăn nuôi heo của bà Trương Thị Sẻ (Ấp 13, Khánh Thuận). Bà Sẻ được hỗ trợ 8 con heo và thức ăn để chăn nuôi, nhưng sau khi xuất chuồng, bà Sẻ không tái đàn heo và hiện đang chờ sự hỗ trợ tiếp từ phía địa phương.

U Minh là trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Hiện huyện còn trên 3.000 hộ nghèo, chiếm 11,94% (giảm 9,75% so với năm 2016) và trên 1.000 cận hộ nghèo, chiếm 4,23% (giảm 0,42% so với năm 2016). Toàn huyện còn 50 ấp có tỷ lệ hộ nghèo từ 10% trở lên.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các chương trình mục tiêu phục vụ cho sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư. Trong đó, có hai chương trình được triển khai: Chương trình 30a và Chương trình 135. Có 6 xã trên địa bàn huyện được thụ hưởng (xã Khánh Tiến, Khánh Hội thụ hưởng chương trình 30a; còn lại xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Thuận, Khánh Hòa và một số ấp của Khánh Hội thuộc Chương trình 135 của Chính phủ).

Với Chương trình 30a, nguồn vốn Trung ương phân bổ trên 8 tỷ đồng, trong 3 năm đã triển khai làm mới 8 công trình, duy tu bảo dưỡng 4 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng 7 mô hình cho 130 hộ nghèo trên địa bàn huyện. Với Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, phân bổ trên 19 tỷ đồng xây dựng, trùng tu 50 công trình; xây dựng 27 mô hình và đã có 429 hộ thoát nghèo.

Đoàn giám sát đã đến một số hộ gia đình được hỗ trợ theo các chương trình trên địa bàn xã Khánh Thuận. Nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, xã được phân bổ gần 7 tỷ đồng để thực hiện các tiểu dự án về hỗ trợ. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 10 công trình và di tu bảo dưỡng 12 công trình hạ tầng nông thôn với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Xây dựng được 3 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, với 70 hộ được thụ hưởng dự án nuôi heo, với kinh phí trên 700 triệu đồng, kết thúc dự án có 44 hộ thoát nghèo. Hộ nghèo của xã hiện còn 13,62%.

Từ nay đến cuối năm 2018, Khánh Thuận dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6,89% (tương đương với 219 hộ). Với con số này, đoàn công tác cho rằng không sát thực tế và khó đạt được với bối cảnh của xã hiện nay.

Qua khảo sát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tranh đánh giá: “Các dự án có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ sở, phải lựa chọn đối tượng phù hợp, khi tiếp nhận nguồn vốn thì hộ dân phải đăng ký thoát nghèo, để họ thấy được trách nhiệm của mình, không còn trông chờ ỷ lại, không thể phân bổ chung chung như hiện nay, dẫn đến kết quả giảm nghèo không được như mong đợi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng chỉ đạo UBND các xã xem xét lại quy trình thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo báo cáo cho UBND huyện để huyện trình lên UBND tỉnh trước ngày 20/9.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng nhắc nhở các xã phải lựa chọn đối tượng hỗ trợ phù hợp, thực hiện tốt phương châm “chậm mà chắc” tránh nóng vội, sâu sát từng hộ dân, tránh tình trạng tái nghèo. Từ đó rút kinh nghiệm để củng cố và phát huy có hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *