Trăn trở ngày hè

Cán bộ Hội đồng Đội huyện Trần Văn Thời chuẩn bị sân chơi tại xã Khánh Bình Đông.

Bài toán cũ chưa có lời giải 

Công trình Nhà Thiếu nhi huyện U Minh được đầu tư tiền tỷ, bàn giao cho Huyện đoàn và mang đến nhiều phấn khởi. Tuy nhiên, đưa vào hoạt động, mới thấy được những hạn chế từ khâu thiết kế của công trình này. Gần 10 năm, công trình vẫn không có bảng tên, sân chơi diện tích nhỏ hẹp. Nhà Thiếu nhi huyện không thể kêu gọi các đơn vị phối hợp xây dựng sân chơi cho trẻ. Ngoài ra, công trình Hội trường được thiết kế cho các hoạt động sinh hoạt, văn hóa – văn nghệ thiếu nhi thì lại “trở quẻ” khi chất lượng âm thanh không đảm bảo do bị tiếng vọng, thiết kế chỉ 1 cánh gà, khó lòng thực hiện những chương trình văn nghệ. Hiện trạng Hội trường đã phủ đầy rêu do xuống cấp, trần nhà dột nhiều chỗ, kính một số nơi bị vỡ; hệ thống điện, nước bị hư hỏng.

Do những hạn chế từ khâu thiết kế mà nhiều năm qua, dù đã được bảo hành, duy tu nhưng Nhà Thiếu nhi huyện U Minh vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Vào năm 2017, công trình tiếp tục được duy tu với kinh phí khoảng 200 triệu đồng, chủ yếu là các hạng mục như sửa nền bị sụt, lún.

Nhà Thiếu nhi chục tỷ hiện chỉ có 1 phòng thư viện và phòng vi tính hoạt động. Các lớp năng khiếu trước đây vẫn được mở nhưng rất khó chiêu sinh, vì thực tế với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, phụ huynh cũng khó lòng tin tưởng gửi gắm con em theo học. Chị Nguyễn Việt Trinh, Phó Bí thư Huyện đoàn, trăn trở: “Đã 10 năm nay, dù có Nhà Thiếu nhi nhưng không thể tập trung đông các em lại, vì không gian nhỏ hẹp và nhiều lý do khác. Khi huyện có hoạt động thì phải thuê một địa điểm khác tổ chức. 10 năm, những người có trách nhiệm quản lý luôn tự đặt câu hỏi về công năng của Nhà Thiếu nhi huyện. Nhận công trình rất vui, tuy nhiên đưa vào hoạt động mới thấy khó khăn, nếu đầu tư đảm bảo hơn thì tính năng hoạt động sẽ khác”.

Khác với huyện U Minh, Nhà Thiếu nhi huyện Trần Văn Thời hiện vẫn duy trì các lớp năng khiếu, song nơi đây lại thiếu hụt từ khâu nhân sự đến kinh phí hoạt động, nên thường xuyên trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Mặc dù có 4 phòng làm việc bên cạnh 6 phòng chức năng, nhưng hiếm khi có người làm việc tại đây, kể cả bảo vệ trông coi. Huyện đoàn hiện có 5 cán bộ, 2 người được phân giao kiêm nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi, tuy nhiên do làm việc ở 2 cơ quan nên việc quản lý là điều khó có thể đảm bảo. Chị Lưu Xông Pha, Bí thư Huyện đoàn: “Từ năm 2016 đến nay, không có kinh phí cho cán bộ kiêm nhiệm và kinh phí cho các hoạt động. Ngoài ra, việc hợp đồng với một số chủ gian hàng trò chơi nhỏ lẻ hàng tháng chỉ đủ chi cho tiền điện nước, điều này gây rất nhiều hạn chế cho hoạt động Nhà Thiếu nhi. Về thực chất thì Nhà Thiếu nhi huyện chưa mang lại hiệu quả cao, chỉ dừng lại ở khâu hoạt động phong trào”.

Vào đầu năm nay, UBND huyện Trần Văn Thời đầu tư 600 triệu đồng để nâng cấp nền và sơn lại Nhà Thiếu nhi. Công trình hiện mỗi ngày phục vụ cho khoảng 100 em ở lớp năng khiếu. Các doanh nghiệp đầu tư sân chơi thì không “mặn mà”, do diện tích sân nhỏ và nhiều lý do từ khâu quản lý, hợp đồng. Chị Lâm Yến Nhi, Chủ tịch Hội đồng Đội, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện: “Tại Nhà thiếu nhi chỉ có sân chơi nhỏ, lẻ do một số hộ cá nhân đầu tư, nên còn đơn giản. Ngoài ra, do lâu ngày chưa được nâng cấp, trò chơi cũ, không hấp dẫn các em”. 

Mặc dù đã duy tu hai lần, nhưng nền của công trình Nhà Thiếu nhi huyện U Minh vẫn sụt lún, trần bị dột nát.

“Sơn” lại mùa hè

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có 4 huyện có Nhà Thiếu nhi, gồm: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Năm Căn. Khó khăn chung của 4 điểm trên chính là điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, cũng như yêu cầu thay đổi, hỗ trợ để tạo sân chơi cho trẻ.

Trong hoàn cảnh công trình đầu tư chục tỷ chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, thì những người làm công tác Đoàn tại địa phương đã nỗ lực tạo những điểm vui chơi nhỏ để mang niềm vui cho trẻ em ở các vùng khó khăn “khát” sân chơi. Đó là mục tiêu của Chương trình tạo chuỗi sân chơi tại địa bàn dân cư, do Tỉnh Đoàn triển khai tới các cơ sở Đoàn.

Công trình sân chơi tại địa bàn dân cư đầu tiên được Huyện đoàn Trần Văn Thời thực hiện tại xã Khánh Bình Đông, với kinh phí khoảng hơn 10 triệu đồng, do đoàn viên vận động. Các bạn tận dụng những lốp xe cũ cùng một chút khéo léo, những buổi tăng ca không tiền bồi dưỡng để làm nên những mô hình con vật, xích đu, các chướng ngại vật phù hợp với thiếu nhi. Sân chơi nhỏ hứa hẹn sẽ là điểm đến cho các em tại xã, địa bàn còn gặp khó khăn trong thực hiện các hoạt động sinh hoạt cho trẻ em. Anh Trần Trọng Thể, Bí thư Xã đoàn: “Công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng, là địa điểm để tập hợp thiếu nhi khi có hoạt động, đặc biệt trong mùa hè năm nay”. Khi được biết nơi đây được chuẩn bị phục vụ cho trẻ hoàn toàn miễn phí, ông Dương Trung Thành, người dân Ấp 6, phấn khởi: “Tôi sẽ dẫn các cháu trong nhà ra đây chơi, để tụi nhỏ bớt chú tâm vô điện thoại”.

Trong khi những công trình tiền tỷ hoàn thành nhưng không hiệu quả, thiếu nhi lại tìm thấy niềm vui ở những sân chơi nhỏ tại địa bàn dân cư, những sân chơi từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa vài triệu, vài chục triệu đồng nhưng phù hợp với nhu cầu của các em. Hiện đã có 47 điểm hoàn thành “công trình”, phần nào mang đến niềm vui cho các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu sân chơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *