Bình dị người “dũng sĩ diệt Mỹ”

72 tuổi nhưng ông Thê trông khỏe mạnh, rắn rỏi.

DŨNG SĨ DIỆT MỸ, DIỆT CƠ GIỚI…

Trong cuộc sống bộn bề thường ngày, ít ai ở khóm Sa Phô ngờ rằng có một ông già dân tộc Tày đã dành trọn tuổi xuân cho cách mạng, từng được phong nhiều danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng… Thời bình, ông là đảng viên ưu tú, toàn tâm toàn ý lo cho dân.

Ở ông, từ cốt cách chất phác bình dị của người con sống ở xứ núi Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn), cộng với lòng gan dạ, kiên trung của một chiến sĩ cách mạng dũng lược, tài hoa đã để lại dấu ấn đặc biệt, khó phai mờ trên từng trận tuyến ông từng đi qua, trải dài từ Bắc vào Nam.

Những thành tích trong kháng chiến luôn là niềm tự hào là động lực để ông Thê phấn đấu sống tốt hơn trong hiện tại.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng ông Thê vẫn được gia đình lo ăn học hết Trung cấp nông lâm, rồi công tác tại huyện Ngân Sơn. Không thể ngồi yên nhìn cảnh “nước mất, nhà tan”, nhân dân bị quân thù đàn áp, ông tình nguyện nhập ngũ, đơn vị D10, sau đó chuyển về Quân khu 9. Năm 1970, cùng đơn vị về đóng quân tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Năm 1972, ông được điều về S199 (Cục B hậu cần Quân khu 9), với vai trò Tham mưu trưởng Tiểu đoàn S302 đơn vị đặc công, phá rào, đánh phá đồn bót của địch trên khắp các trận tuyến từ Bắc vào Nam.

Ông Thê nhớ lại: “Là lực lượng đặc biệt, bản thân mình cũng như các chiến sĩ đặc công thời ấy có khả năng vượt qua mọi vật cản với tốc độ cao và bền bỉ nhất. Từ việc chinh phục các tòa nhà cao tầng bằng gậy đẩy, dây, móc; có thể vượt qua các hàng rào dây thép gai dày đặc, bãi mìn hỗn hợp bằng các loại phương tiện thô sơ; kỹ năng ngụy trang của chiến sĩ đặc công còn phải hòa nhập môi trường: Có khi hóa thành các khối đá, thân cây gỗ, ụ đất, bụi cỏ, đôi khi phải trầm mình nhiều giờ dưới đám bèo trên ao, hồ… Khó khăn, gian khổ nhưng không làm nguôi ý chí, sự kiên cường trong mỗi trái tim người chiến sĩ, hễ phá được đồn, phá hỏng được xe tăng, tiêu diệt được địch là trong lòng hăng hái lắm”.

Ông Hiền Thê, người con Bắc Cạn, nguyện gắn bó và dốc sức cống hiến cho mảnh đất Cà Mau.

Trong hàng trăm trận đánh đồn từ Bắc vào Nam, ký ức về trận bắn xe tăng tại Quốc lộ 14 xuyên qua Đắk Lắk, chạy dài ra miền Đông vào năm 1969, ông cho là đáng nhớ nhất. Ông Thê nhớ lại: “Chiến trường diễn ra ác liệt lắm, cuộc chiến không cân sức, địch với phương tiện vũ khí hiện đại, phía ta vũ khí thô sơ, nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu đến sức cùng lực kiệt, phút chót tôi cùng đồng đội đã bắn hỏng xe tăng, tiêu diệt nhiều tên địch”. Cũng trong năm 1969, ông bị thương nặng ở tay khi tham gia đánh đồn ở Kiên Giang. Năm ấy, ông Thê được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”.

Ông Thê chặt tỉa, sắp xếp gọn gàng từng chang đước, vừa tận dụng làm củi, vừa tạo thức ăn cho tôm.

BÍ THƯ CỦA LÒNG DÂN

72 tuổi đời, 46 tuổi Đảng, hơn 12 năm “vào sinh, ra tử” ở khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, đã không ít lần phải đối diện với lằn ranh sinh tử mong manh của trận chiến, nhưng người thương binh Hồ Hiền Thê luôn nêu cao tinh thần, ý chí kiên trung, quả cảm của một chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chọn Cà Mau là quê hương thứ hai để sinh cơ lập nghiệp, trở về với đời thường, ông Thê luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của địa phương.

25 năm làm Bí thư Chi bộ khóm, trong mọi hoàn cảnh, người thương binh 4/4 Hồ Hiền Thê đều cố gắng làm theo lời Bác dạy: Rèn luyện tính tập thể, lòng thương yêu đồng chí, đồng đội và tình quân dân gắn bó; đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ông luôn gần dân, sát dân, vận động, khuyên bảo bà con chăm chỉ làm ăn để nâng cao đời sống, chăm lo con cái học hành…

Trước đây, khóm Sa Phô từng là một khóm nghèo, đông dân cư, người dân chủ yếu là dân di cư từ nơi khác đến làm ăn, cuộc sống tạm bợ nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nhưng nay khóm đã “khoác” chiếc áo mới, với những ngôi nhà kiên cố, đường bê-tông trải dài trên từng đường làng, ngõ xóm.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn – Ông Lê Văn Sin cho biết: “Khóm có được bộ mặt như ngày nay là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân khóm, đặc biệt là sự đi sâu, sát và luôn dẫn đầu trong các lĩnh vực của chú Hiền Thê, góp phần làm diện mạo khóm ngày một khởi sắc”.

Với nhiều năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ khóm, ông Thê đã trở thành tấm gương sáng để bà con học tập. Ông Thê, tâm sự: Với quyết tâm “nói đi đôi với làm”, tôi luôn phấn đấu, nỗ lực đi đầu trong các phong trào, các lĩnh vực: Đến gõ cửa từng nhà dân để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi phương thức sản xuất, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, tôi còn phân công đảng viên trong khóm, cùng với tôi phụ trách giúp đỡ các hộ nghèo cùng đi lên…”.

Gieo mầm đến ngày hái quả, bằng việc kiên trì lo cho dân không chút toan tính thiệt hơn, ông đã giúp nhận thức của người dân ngày một đi lên; đặc biệt, khi thị trấn Năm Căn được đầu tư xây dựng phát triển thành 1 trong 2 khu đô thị động lực của tỉnh đã đưa thu nhập bình quân đầu người của khóm năm 2016 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm. Đặc biệt 5 năm trở lại đây, trong khóm không có gia đình sinh con thứ 3, các em học sinh đều được đến trường.

Ông Đinh Văn Thơ, cùng khóm cho biết: “Ông Thê là một bí thư tốt bụng, hết lòng vì dân, nên từ đầu làng đến cuối xóm ai cũng quý mến ông. Chuyện gì khó, dân cần giúp đỡ là ông sẵn sàng, nhất là việc chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng sản xuất, làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập. Đối với người dân ở khóm, ông Thê như người chú, người anh trong đại gia đình”.

Ngoài sự nhiệt tình, hết lòng với công việc, ông Thê còn đi đầu trong phát triển kinh tế. Mỗi năm, gia đình ông thu về trên 200 – 400 triệu đồng từ mô hình nuôi tôm, trồng rừng, kết hợp nuôi sò huyết, vọp… Ông đã bỏ nhiều công sức, tiền của đi tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, rồi chắt lọc những kiến thức bổ ích, kết hợp áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó 10 năm nay, thu nhập gia đình ông khá ổn định, có điều kiện lo cho 3 con ăn học. Trong đó, có một người là bác sĩ, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, 2 người con tốt nghiệp Trung cấp Dược, hiện mở quầy thuốc riêng cuộc sống ổn định.

Ông Thê tâm sự: “Nhìn các con thành đạt, lòng già cảm thấy vui và tự hào. Dù tuổi cao nhưng mục tiêu phấn đấu của tôi còn nhiều, nhưng quan trọng nhất là luôn giữ được mối đoàn kết trong khóm, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.

Trải qua những năm tháng oanh liệt, người “dũng sĩ” kiên trung năm nào quyết định bám đất, bám rừng Cà Mau sinh cơ lập nghiệp. Ngắm đồng đước bạt ngàn, dưới làn nước xanh, ông Thê trong chiếc áo phai màu, tay cầm dao chặt tỉa, sắp xếp gọn gàng từng chang đước, rồi ông mò bắt từng con vọp đến lứa thu hoạch… Thế đấy, cuộc đời của ông “bình dị” nhưng khiến tuổi trẻ như chúng tôi khâm phục, ông mãi mãi bất tử theo tháng năm cùng với những trang sử vẻ vang, hào hùng của đất nước nói chung và của mảnh đất Cà Mau nói riêng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *