Cửa biển Khánh Hội bị bồi lắng nhanh, chủ yếu do khách quan

Theo ông Tô Quốc Nam, qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân dẫn đến bồi lắng nhanh cửa biển Khánh Hội, phần lớn là do yếu tố khách quan (chế độ triều, dòng hải lưu, điều kiện địa hình, địa chất…), ảnh hưởng lớn nhất là do các cơn bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra vừa qua.

Ông Nam khẳng định, tình trạng này không chỉ diễn ra ở cửa biển Khánh Hội, mà diễn ra trên các cửa vùng biển Tây như: Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Hương Mai, Tiểu Dừa… Chỉ khoảng một năm sau nạo vét là gần như bị bồi lắng, trở về nguyên trạng, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay.

Do cửa biển Khánh Hội bị bồi lắng nhanh, nên phần lớn tàu khai thác không vào được cửa, phải tổ chức vận chuyển hải sản sau khai thác qua nghe nhỏ vào bờ.

Quy mô nạo vét phải được xem xét, tính toán kỹ trước khi thực hiện

Theo phản ảnh của người dân, quy mô nạo vét cần phải được xem xét, tính toán kỹ trước khi thực hiện (chiều rộng, sâu). Việc bồi lắng trở lại sau nạo vét do điều kiện tự nhiên là yếu tố khách quan cần sớm được nghiên cứu, khắc phục nhằm hạn chế lãng phí ngân sách nhà nước, giúp ngư dân yên tâm sản xuất.

Việc người dân bức xúc nhất hiện nay là đơn vị thi công khi dùng xáng cạp nạo vét đoạn từ đồn Biên phòng trở ra biển, thay vì nạo vét bốc lên đổ hết đi nơi khác, thì chỉ bốc đi một phần, phần còn lại đổ dồn về 2 bên mái luồng. Theo thời gian, phần bùn nhão trên mái luồng trôi đi, lấp lại vào khoang luồng, chỉ còn trơ lại phần đất cứng, vỏ sò, vỏ ốc, cát, rác,… tạo thành các gò (giồng) cứng, chắc trên luồng, gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi vướng phải (tàu, thuyền không thể lướt qua được như hiện trạng ban đầu).

Cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp khả thi, hữu hiệu

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tô Quốc Nam cho biết, sau chuyến khảo sát thực địa vừa qua, đã chỉ đạo đơn vị thi công phải đưa thiết bị đến công trình, tổ chức thi công khắc phục toàn bộ các đoạn bị cạn theo phản ảnh của người dân trong thời gian sớm nhất; đồng thời phải sửa chữa, lắp đặt ngay các phao báo luồng đúng theo quy định.

“Về lâu dài, cần có chủ trương cho nghiên cứu, đánh giá nhằm đề xuất giải pháp khả thi, hữu hiệu để tổ chức lựa chọn thực hiện một cách bền vững, hiệu quả nhất, nhất là việc chỉnh trị dòng chảy”, ông Nam chia sẻ.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội, do Ban quản lý Cảng Cá làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng; trong đó hạng mục nạo vét luồng tàu dài 4.500m, hệ thống phao báo hiệu và trụ neo tàu (gói thầu số 17) với kinh phí trên 33 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng Hồng Lâm thi công.

Tổng chiều dài tuyến nạo vét cửa biển Khánh Hội là 4.500m. Theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, thì toàn tuyến đều được nạo vét bằng xáng thổi. Tuy nhiên, do điêu kiện khách quan (không có bãi chứa) nên đoạn từ Km3+425 đến Km4+500 (đoạn cuối ngoài biển) phải điều chỉnh giải pháp thi công bằng xáng cạp đổ lên xà lan vận chuyển, bốc dỡ vào bãi chứa gần bờ, sau đó dùng xáng thổi đưa vào bãi chứa.

Công trình đã được thi công hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng, được phân chia thành 3 giai đoạn, gồm: Đoạn từ Km0+000 đến Km3+000, được nghiệm thu ngày 30/12/2016; đoạn từ Km3+000 đến Km3+425, được nghiệm thu ngày 17/4/2017; đoạn từ Km3+425 đến Km4+500 đã được nghiệm thu ngày 11/12/2018. 

Qua kiểm tra, khảo sát thực tế nhận thấy, hầu hết các đoạn đã được nạo vét đều bị bồi lắng lại. Riêng đoạn từ Km2+700 đến Km3+500 (chiều dài khoảng 800m từ đồn Biên phòng trở ra biển), đây là đoạn nghiệm thu sau cùng nhưng bị bồi lắng rất nhanh, khoảng từ 80cm đến 1m, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của tàu thuyền ra vào cửa, gây bức xúc trong người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *