Hiểu biết và chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

PV: Thưa bác sĩ, bệnh do virus Zika là gì?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi truyền, có thể gây thành dịch. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Virus Zika cùng nhóm với các virus sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Đây là loại virus chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định dịch bệnh do virus Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh với những di chứng nặng nề, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong nước đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika. Đó là 2 bệnh nhân nữ, một tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và một ở Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Chủng Zika mà 2 bệnh nhân trên nhiễm được xác định là chủng đang lưu hành tại một số nước châu Á. Cả 2 ca bệnh Zika đầu tiên của Việt Nam đều ở tại cộng đồng, trong nội địa, không có tiền sử đi đến vùng có dịch.Trước những diễn biến phức tạp của bệnh do virus Zika gây ra, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

PV: Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, ngành Y tế tỉnh đã triển khai những biện pháp cụ thể nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân: Thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, ngành đã chủ động tham mưu để UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Zika năm 2016. Tổ chức triển khai kế hoạch, công điện, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng; tập huấn về chuyên môn cho các cơ sở y tế: Hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và truyền thông về phòng chống dịch bệnh do virus Zika.

Phụ nữ mang thai là đối tượng cần quan tâm hiểu rõ các thông tin về tình hình dịch bệnh để biết cách chăm sóc bản thân, đặc biệt là không được đi tới vùng có dịch bệnh khi không cần thiết. Ảnh: Chăm sóc thai phụ tại Trạm Y tế xã Hòa Tân, TP. Cà Mau.

Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết. Đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm virus Zika các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm; tổ chức giám, sát và phun hóa chất diệt muỗi, tránh lây lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm virus Zika; giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản – nhi.

Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản – nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.

Diệt lăng quăng, diệt muỗi là cách hữu hiệu phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết.

Bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

PV: Bác sĩ có những khuyến cáo gì với người dân về cách phòng bệnh do virus Zika?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân: Người dân không nên hoang mang lo lắng, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không làm ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt khác. Chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân, báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện bệnh: Viêm kết mạc mắt, đau khớp, đau cơ, đau đầu và có tiền sử lưu hành từ vùng dịch về hoặc nghi ngờ dịch bệnh do virus Zika trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát bệnh. Thường xuyên khơi thông cống rãnh, không để nước ứ đọng lâu để diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, không cho nguồn bệnh phát triển; phải ngủ mùng để phòng chống muỗi đốt; hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch… Nếu phải đi, cần tìm hiểu rõ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động phòng tránh lây nhiễm cho bản thân. Người đi về từ vùng dịch tự theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày và khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly, điều trị kịp thời. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *