Nhà giáo ưu tú Phạm Mỹ Nga: Miệt mài cống hiến cho nghề cao quý

Vượt khó, hết mình với nghề giáo

Sinh ra ở vùng quê xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), hơn ai hết, cô Nga hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của trẻ em nông thôn trên con đường đến với con chữ khi thời đó đa phần người dân trong xã cuộc sống còn lắm nỗi khó khăn. Chính vì vậy, ước mơ trở thành cô giáo luôn thường trực trong cô suốt thời tuổi trẻ, dù khi ấy nghề giáo viên vất vả và thiếu thốn. Đến giờ đây, cô vẫn tâm nguyện rằng góp phần truyền thụ cho học sinh nơi vùng sâu biết chữ, có tri thức để bước vào đời lập nghiệp chính là niềm hạnh phúc của bản thân.

Cô giáo Phạm Mỹ Nga đã dành trọn tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quê hương. Bắt đầu với nghề “gõ đầu trẻ” từ năm 1981, hằng ngày, dù “mưa dầm hay gió rét”, cô giáo trẻ vẫn miệt mài đi “gieo” chữ trên con đường quê. Cô đến từng gia đình vận động học sinh vào lớp; rồi tranh thủ ngày nghỉ để cùng các thầy, cô tận dụng cây lá có sẵn tại địa phương mà sửa chữa lại trường, lớp.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân (phải) và Tỉnh ủy viên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải tặng hoa 3 Nhà giáo ưu tú được Bộ Giáo dục và Đào tạo phong tặng danh hiệu năm 2017, trong đó có cô Phạm Mỹ Nga.

Những năm tháng lặn lội vào các xóm, ấp vùng sâu, vùng xa để vận động học sinh đến lớp là khoảng thời gian vô cùng vất vả nhưng đầy ý nghĩa, là một kỷ niệm sâu sắc mà cô Nga luôn trân trọng. Các xã nơi cô tham gia giảng dạy đều là các xã còn rất khó khăn, đa phần đời sống người dân còn thiếu thốn, quanh năm lo cái ăn nên nhiều người còn cho rằng cái chữ không làm no bụng, từ đó không quan tâm chuyện học hành của con cái. Để vận động hiệu quả, cô tìm hiểu hoàn cảnh của từng em học sinh, rồi đến tận nhà gặp phụ huynh. Lòng yêu nghề, mến trẻ, sự kiên trì và tấm lòng chân thành của cô giáo trẻ đã thuyết phục được nhiều người thay đổi quan điểm.Trẻ em vùng quê từng bước được tiếp cận với con chữ. Cô xúc động tâm sự: “Những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua khó khăn, vì tương lai tươi sáng cho các em”.

Hơn 10 năm giảng dạy tại huyện Trần Văn Thời, cô Nga được điều động, phân công đến nhiều điểm trường khác nhau, nhưng các nơi này đều có điểm chung là cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn, phòng học ọp ẹp, vách lá xiêu vẹo, học sinh bỏ học theo ba mẹ ra đồng. Nhưng dù vất vả đến đâu, cô Nga luôn dạy học sinh bằng cả tấm lòng yêu nghề và tâm huyết của tuổi trẻ.

Trong suốt những năm làm giáo viên, dù được phân công ở nhiệm vụ nào, cô Nga đều cố gắng đem hết tình yêu thương, tâm huyết và kiến thức đã được học tập, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bản thân cô không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác. Cô Nga chia sẻ: “Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên tiểu học phải có, đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì, sự bền bỉ với trẻ, bởi tiểu học là lứa tuổi các em rất hiếu động, tinh nghịch. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cần phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh, đặc biệt là với các em sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho các em noi theo”.

Hơn 36 năm gắn bó với nghề, cô Phạm Mỹ Nga có 20 lần được tuyên dương là Chiến sĩ thi đua cơ sở; 7 lần nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Thủ tướng Chính phủ.Đặc biệt, năm 2013, cô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Và có lẽ ngày 20/11 năm nay là dấu ấn mà cô không bao giờ quên trong cuộc đời một “người lái đò” thầm lặng đưa bao thế hệ học sinh đến với bến bờ tri thức: Được phong tặng danh hiệu cao quý – Nhà giáo ưu tú.

“Nữ thủ lĩnh” tài ba trên mặt trận giáo dục

Được ví là “nữ thủ lĩnh” tài ba trên mặt trận giáo dục thuộc khối tiểu học của tỉnh, 36 năm qua, cô Nga luôn gắn bó với nghề, miệt mài cống hiến. Cô đã góp công chăm bồi nên những nhân tài cho quê hương, đất nước. Thương học trò phải gánh trên vai quá nhiều áp lực, cô Nga luôn sát cánh với các em trong từng cuộc thi, hoạt động, phong trào. Ở cô không chỉ toát lên bản lĩnh, sự quyết đoán của một lãnh đạo, mà đó còn là cả cái tâm của một nhà giáo. Điều này cũng là kết quả tất yếu khi nhiều năm qua Trường Tiểu học Quang Trung là một trong những “cánh chim đầu đàn” của ngành Giáo dục tỉnh về chất lượng giáo dục ở khối tiểu học”, cô Ngô Thị Mai, giáo viên có thâm niên giảng dạy tại Trường Tiểu học Quang Trung, chia sẻ.

Tuy bận rộn với công tác quản lý, nhưng đều đặn mỗi ngày, cô Nga luôn quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục các em tại lớp học; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt giáo viên trẻ để nâng cao tay nghề đối với đội ngũ giáo viên trong nhà trường, nhằm phục vụ tốt cho công tác giáo dục trẻ trong nhà trường đạt kết quả cao. Cụ thể, dưới sự lãnh đạo của cô Nga, từ khi cô về nhận nhiệm vụ tại trường chỉ có 3 giáo viên giỏi, đến nay đã tăng lên 14 giáo viên giỏi, trong đó có cả giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Năm nào, nhà trường cũng có nhiều học sinh đạt các thứ hạng cao trong các cuộc thi học sinh giỏi, các cuộc thi trên Internet, thi năng khiếu cấp tỉnh lẫn quốc gia.

Trong các phong trào thi đua, cô luôn tiên phong tìm tòi sáng tạo, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng rộng rãi đem lại hiệu quả cao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Với tấm gương nhà giáo tự học và sáng tạo, nhiều năm liền cô đã có đề tài sáng kiến đạt giải cao.

Những thành tích của cô không chỉ mang tính cá nhân mà nó còn là những mốc son đánh dấu cho sự trưởng thành và phát triển của một ngôi trường. Nhắc đến Trường Tiểu học Quang Trung là nhắc đến một ngôi trường có bề dày thành tích trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Cô Nga nhớ lại, năm 2003, từ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8), cô được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung. Khi ấy cơ sở vật chất tại trường chỉ là những phòng học tạm, mái lợp tol, nền phòng học ẩm thấp, khuôn viên trường chật hẹp. Từ đó, cô bắt tay vào công tác xây dựng lại cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, làm tốt công tác tổ chức, phân công cán bộ, giáo viên hợp lý, tạo được sự đoàn kết nhất trí trong tập thể sư phạm nhà trường. Đến năm 2009, trường được đầu tư xây mới nhiều phòng học rộng rãi, thoáng mát, tạo thuận lợi cho các hoạt động của học sinh.

Lúc này, cở sở vật chất, các phòng học đã cơ bản, nhưng môi trường cây xanh, khuôn viên, cảnh quan sư phạm còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí không đủ chi. Cô đã bàn với Ban Giám hiệu cùng với Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện hiệu quả xã hội hóa giáo dục, bởi theo cô, chỉ có làm công tác xã hội hóa giáo dục thì mới có đủ nguồn lực xây dựng một khuôn viên sân, vườn xanh – sạch – đẹp để học sinh có được môi trường học tập tốt. Với sự chung tay của Ban Thường trực, Ban Chấp hành Hội Cha mẹ học sinh các lớp cùng vào cuộc đã ủng hộ cho kế hoạch vận động xã hội hóa giáo dục đạt kết quả cao: Các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cây xanh, hoa kiểng, làm mái che cho nhà trường. Trường Tiểu học Quang Trung hôm nay khang trang, đẹp đẽ được trang trí phối hợp các màu sắc hài hòa, trang nhã, bắt mắt, phù hợp với không gian và cảnh quan sư phạm. Khuôn viên trường sạch sẽ, được bố trí khoa học, phù hợp cho hoạt động của học sinh.

Dưới sự lãnh đạo bằng tài năng, nhiệt huyết với nghề, cô Phạm Mỹ Nga đã tạo nên Trường Tiểu học Quang Trung là địa chỉ tin cậy về chất lượng giáo dục của thành phố Cà Mau. Các thầy cô giáo và học sinh trong trường, các bậc phụ huynh đều trân trọng, quý mến và tôn vinh một nhà giáo hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục: Nhà giáo ưu tú Phạm Mỹ Nga. Cô xứng đáng là bông hoa tươi thắm trong rất nhiều “bông hoa” đẹp đang ngày đêm “tỏa hương” trong vườn hoa ngành Giáo dục và Đào tạo, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục Cà Mau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *