Nhân rộng mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thực hiện tại 22 tỉnh, thành từ tỉnh Ninh Thuận đến Cà Mau. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong việc bảo vệ môi trường. Song song đó là chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất lúa, nhưng vẫn đảm bảo năng suất. Vụ lúa hè thu và vụ lúa đông xuân năm 2017 – 2018, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng mô hình điểm “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại Ấp 5, xã Khánh Lâm. Mô hình đã giúp nông dân nâng cao kiến thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, góp phần cải thiện thu nhập, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Kỹ sư Trần Văn An, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện U Minh: Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được triển khai tại Ấp 5, xã Khánh Lâm, với diện tích đất sản xuất là 50ha, có 50 hộ tham gia, chủ yếu là loại giống lúa OM5451. Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức tập huấn sản xuất cho nông dân, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, không sử dụng thuốc hóa học khi không cần thiết. Chương trình đã hỗ trợ tại địa bàn Ấp 5 xây dựng cơ bản 2 hố rác để người dân trong vùng thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, dự án quản lý dịch hại IBM thuộc chương trình WB6 tài trợ đầu tư xây dựng 14 hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tại 8 ấp trên địa bàn xã Khánh Lâm. Mỗi hố được xây dựng kiên cố bằng bê-tông cốt thép với sức chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật là 1m3, tổng trị giá đầu tư 84 triệu đồng.

Nhân viên Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” thu gom vỏ chai, bao bì qua sử dụng vận chuyển đi xử lý, tiêu hủy.

Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân các biện pháp bảo vệ môi trường, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác lúa trong suốt quá trình. Hằng tuần, cán bộ kỹ thuật cùng với nông dân điều tra hệ sinh thái và đánh giá tổng quan tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa cũng như các đối tượng sâu hại để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Phương pháp này giúp nông dân giảm đáng kể việc phun thuốc bảo vệ thực vật so với các diện tích ngoài mô hình.

Ông Nguyễn Văn Thành (Ấp 5, xã Khánh Lâm): “Từ khi tham gia vào công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa và kết hợp xây hố chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, tôi thấy môi trường trên đồng ruộng tốt hơn nhiều, nhất là các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật không còn nằm trên đồng ruộng hay dưới kênh mương như từ năm 2016 trở về trước. Nhờ áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng nên vụ lúa đông xuân vừa rồi năng suất đạt 5,4 tấn/ha, tăng hơn so trước 0,3 tấn/ha, lợi nhuận trên 4 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Ông Lê Thanh Mãi, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm: “Trước đây chưa có những hố bỏ bao bì, vỏ chai, một số bà con nông dân cứ bỏ tràn lan ngoài bờ ruộng, thậm chí có những người bỏ dưới kênh, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng năm nay khu vực này có hố bỏ bao bì thuốc, ý thức của người dân được nâng lên;sau khi phun các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh, bà con tự gom vỏ chai bao bì bỏ vào hố, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính mìnhvà bà con xung quanh. Rất mong chương trình tiếp tục được nhân rộng các ấp còn lại, qua đó cùng địa phương tiến tới hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Ông Đặng Mạnh Khương, Thư ký Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”: Một năm chương trình tổ chức thu gom bao bì, vỏ chai 2 kỳ vào cuối vụ lúa hè thu và vụ đông xuân, mỗi kỳ thu gom tại Cà Mau trên 0,6 tấn bao bì, vỏ chai. Sau khi thu gom xong, chúng tôi vận chuyển về nhà máy xử lý tiêu hủy với độ đun nóng 1.400C. Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là chương trình hỗ trợ tiêu hủy rác thải thuốc bảo vệ thực vật trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *