Nữ thanh niên xung phong sống đẹp giữa đời thường

Một thời “hoa lửa”

Quê gốc ở Nghệ An, gia đình có truyền thống nghề giáo nhưng cô bé Nguyệt lại rẽ sang hướng khác. Chứng kiến nỗi đau chiến tranh, sự tàn phá của bọn xâm lược, cô bé Nguyệt quyết tâm trốn nhà theo cách mạng khi mới vừa tròn 16 tuổi (năm 1969). Ngày đó, Nguyệt chỉ là một cô bé đen nhẻm nhưng lại rất hoạt ngôn, lanh lợi. Tham gia hoạt động, Nguyệt được cho đi học 6 tháng về cứu thương và nhận nhiệm vụ về Đội pháo 150 (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Bà Nguyệt kể: “Khi mới tham gia cách mạng, mấy anh trong đơn vị cứ hay trêu đùa rằng tôi là nhân vật Nguyệt trong tác phẩm văn học “Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tôi cười to rồi bảo cái tên mình cứ đẹp, cứ trẻ, nhưng mình cứ già và xấu đi”. Nhưng trên hết ở bà, đó là tinh thần lạc quan. Vì khi nhận nhiệm vụ, dù bom có dội trên đầu bà vẫn cứ đi. Năm 1971, Tổng cục Đường sắt thành lập Tổng Đội TNXP. Bà Nguyệt nhận nhiệm vụ là Tiểu đội phó Tiểu đội 5, phiên hiệu là XK2714. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng công việc của bà cũng không kém phần gian khổ, nguy hiểm.

Có chiến sĩ bị thương, bà làm nhiệm vụ cứu thương, nhưng khi không có người bị thương bà xông xáo làm đường, cùng các đội góp sức nối liền các tuyến đường huyết mạch trọng yếu để tiếp tế cho miền Nam. Cũng có khi bà kiêm luôn nhiệm vụ bốc vác, chiến tranh là thế, một người có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau, dù khó khăn nhưng vẫn luôn hoàn thành xuất sắc, vì một điều duy nhất – là độc lập. Bà Nguyệt cười tươi: “Công việc cứ nối tiếp nhau, mình không có thời gian ngơi nghỉ, nếu đường bị phong tỏa, phải nhanh mở đường khác, có khi ở dưới đất mình đào đường nhưng máy bay của địch cứ bay trên đầu”. Có thể tự hào khẳng định rằng, dù bất cứ nơi đâu, trong bất cứ mặt trận nào, lực lượng TNXP cũng có mặt, trận nào cũng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đến tháng 9/1973, bà Nguyệt là lớp người đầu tiên được đi điều dưỡng ở Binh đoàn 200. Đến năm 1977, bà về công tác tại Tổng cục Công ty Đường sắt (Huế – Nha Trang). Giai đoạn này bà đang mang thai con trai đầu nên xin về Liên hiệp Giao thông Khu vực 4, đóng tại TP. Vinh. Cũng trong năm đó, chồng bà nhận nhiệm vụ vào công tác ở Bưu điện Bạc Liêu. Ở hai đầu nỗi nhớ, nhưng 2 người động viên nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, cho đến năm 1984, thì bà Nguyệt quyết định xin chuyển công tác vào Nam để gia đình sum họp.

Cùng với Hội, bà Nguyệt ra sức vận động bà con thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Xứng danh phụ nữ “hai giỏi”

Không chỉ gan dạ trong chiến đấu, mà về với đời thường, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội và vẫn giữ vững vai trò của người phụ nữ trong gia đình, vun vén gia đình được hạnh phúc ấm êm. Cách xa nhau về vị trí địa lý nhưng tình cảm vợ chồng của bà và chồng chưa hề xa cách, những cánh thư đi mang theo niềm thương nỗi nhớ đến người bạn gối chăn ở miền Nam, cùng với lời động viên cùng vượt qua khó khăn là động lực duy nhất để giúp ông Hải Lâm – chồng bà, vơi đi thương nhớ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dù ở hai đầu nỗi nhớ, nhưng bà Nguyệt vẫn một lòng chung thủy nuôi con, chờ chồng. Những lá thư tay gửi về là những lời động viên, an ủi nhau cùng cố gắng. Trong lá thư tay ngày đó có đoạn viết “một bó rau cho ngày nay, cho ngày mai và cho hai ngày sau”, đó là đoạn thơ mà ông Lâm cải biên lại, để nhắc nhở vợ về sự khó khăn, xa cách nhưng vì tương lai chung mà cùng cố gắng. Khi bà Nguyệt quyết định chuyển vào Nam công tác cùng cơ quan với chồng; những tưởng bao nhớ nhung xa cách được đền đáp thì chưa bao lâu, đến năm 1990, bà Nguyệt lâm trọng bệnh. Đó là giai đoạn khó khăn cho cả gia đình vì con còn nhỏ dại, kinh tế còn eo hẹp. Bằng nỗ lực thuốc thang của gia đình và tinh thần lạc quan, 3 năm sau, bà Nguyệt dần bình phục. Thế nhưng khi vừa bớt bệnh và được chính quyền địa phương vận động, bà Nguyệt lại tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Với nhiều vai trò, vị trí khác nhau nhưng bà luôn được bà con tín nhiệm, tin yêu, từ Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh Khóm 1, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Khóm 7, rồi Trưởng ban Nhân dân Khóm 7, Phó Bí thư Chi bộ Khóm 7, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Thới Bình, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Thới Bình rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thới Bình. Đến nay, bà Nguyệt vẫn còn làm Chủ tịch Hội TNXP của huyện Thới Bình. Bà Nguyệt cho biết: “Nếu không làm thì thôi, nhưng khi nhận lời làm là phải làm cho tốt, phải có trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với hội viên và trách nhiệm với xã hội”.

Nhiệt tình với hoạt động xã hội là thế nhưng bà Nguyệt vẫn đảm đang vun vén cho gia đình, bằng chứng là 2 người con bà được ăn học thành tài, có việc làm ổn định. Trong gia đình luôn hòa thuận ấm êm, bởi bà luôn biết dung hòa các mối quan hệ giữa vợ – chồng, cha mẹ với con cái, mẹ chồng và nàng dâu.

Hơn nửa cuộc đời bà cống hiến sức trẻ cho chiến tranh ở miền Bắc – nơi đã sinh ra bà, góp sức trẻ giải phóng đất nước ra khỏi màn đêm u tối; hơn 20 năm, bà tham gia công tác ở miền Nam – quê hương thứ 2. Giờ đây ở cái tuổi ngoài 60, bà Minh Nguyệt đã có thể vui vầy cùng con cháu, những trưa hè bên chiếc võng đong đưa, bà ru cháu bằng điệu ru hời từ lời thơ Tố Hữu – nhà thơ mà bà yêu thích. Tuổi đã cao nhưng với bà Nguyệt, niềm đam mê văn thơ, văn nghệ luôn làm cho bà trẻ hóa tâm hồn. Và hơn hết bà đã làm rất tốt vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, sống nêu gương cho con cháu noi theo.

Cà Mau có tổng số 749 TNXP, trong đó có 525 nữ. Từ những con số cho thấy lòng yêu nước, sự căm thù địch và khát vọng tham gia chiến đấu, hăng say cống hiến vì hòa bình, độc lập giải phóng dân tộc là khát vọng lớn lao không của riêng ai, không phân biệt với tính. Các cô, các chị đã sẵn sàng dâng tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời mình cho đất nước, để dấn thân vào mưa bom, bão đạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *