Nữ trí thức trẻ nặng tình với vùng đất khó

Hiện toàn xã Tân Duyệt duy trì 11 tổ nuôi heo đất, số tiền gần 11 triệu đồng; có 39 tổ tiết kiệm – tín dụng và 69 tổ hùn vốn với số tiền huy động trên 2 tỷ đồng, giúp cho 1.296 chị mượn để đầu tư sản xuất. Ảnh: Thùy Dung tại một buổi họp tổ nuôi heo đất ấp Tân Long.

Tháng 10/2000, sau khi tốt nghiệp Trung cấp thủy sản, Lâm Thị Thùy Dung (sinh năm 1982, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) gửi hồ sơ xin việc vào xí nghiệp xuất khẩu tôm tại quê nhà. Trong thời gian chờ đợi phản hồi, Dung trúng tuyển Dự án trí thức trẻ tình nguyện do Tỉnh Đoàn Cà Mau đăng tuyển. Và đây là cơ duyên đưa nữ Chủ tịch trẻ Hội Phụ nữ xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi) hôm nay đến với Cà Mau và gắn bó, cống hiến cho mảnh đất quê hương thứ hai này.

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế của hội viên là động lực để Thùy Dung phấn đấu, hết mình với công tác Hội.

ĐẤT KHÓ GIỮ CHÂN TRÍ THỨC TRẺ

Dung là con gái út trong nhà, chưa từng xa gia đình. Vì vậy, khi nghe tin Dung phải về Cà Mau công tác, cả nhà không ai muốn cho Dung đi. Thùy Dung bảo rằng: “Mình thuyết phục cả nhà bằng sự quyết tâm và ý nghĩa của việc làm. Lúc mình đi, ba không có nhà, mình biết là ba muốn tránh mặt, còn mẹ thì rất buồn, nên khi bước đi mà không dám nhìn lại, sợ phải thấy cảnh mẹ khóc, mình không cầm lòng được…”.

Đến Cà Mau vào một ngày mưa, nhìn cảnh buồn lắm. Dung được phân công về xã Tân Duyệt. Khi làm lễ bàn giao tại Tỉnh Đoàn Cà Mau, nhận được bó hoa của các em học sinh, Dung rất cảm động, tự hứa với lòng dù khó khăn thế nào cũng cố gắng vượt qua để làm tốt nhiệm vụ, để không phụ lòng các cấp đề ra Dự án đưa trí thức trẻ về vùng sâu, vùng xa. “Từ TP. Cà Mau, Dung được các anh, chị Huyện đoàn Đầm Dơi đưa xuống đò về đơn vị công tác mới, trước mắt Dung toàn là sông nước, phương tiện đi lại chỉ bằng đò, đường lại xa, trong lòng nghĩ ngợi “làm sao biết đường về nhà”. Về đến Đầm Dơi, được anh Chủ tịch xã lên đón. Khi bước chân về đến xã lúc ấy trời đã chiều, lại có mưa, xã thì mới chia tách (xã Tân Dân và Tân Duyệt), không có điện, nhà dân thì xa xa mới có một cái, khung cảnh thật là buồn, lúc này mình mới thấm thía nỗi nhớ nhà”, Dung nhớ lại.

Tham gia công tác tại địa phương, ban đầu Thùy Dung được phân công giúp Hội Phụ nữ xã, cùng Chủ tịch Hội Phụ nữ tham dự họp tổ, chi hội các ấp; vận động, củng cố chi hội phụ nữ ấp. Khi ấy, đời sống chị em còn nhiều khó khăn, nhất là gia đình hội viên đồng bào dân tộc. Nhìn thấy các chị có con cái nheo nhóc, cuộc sống khó khăn, chật vật, đất đai ít, không nghề nghiệp ổn định, Dung trăn trở và thầm nghĩ phải tìm cách giúp chị em vươn lên. Ý tưởng giúp phụ nữ nghèo vươn lên vừa nhen nhóm thì Dung được Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ mới, phụ trách công tác hộ tịch và văn thư xã.

Đến cuối năm 2002, dự án kết thúc, Thùy Dung xin ở lại xã, tiếp tục phục vụ và được đồng ý. Thùy Dung cho biết: “Lý do mình muốn ở lại bởi khi ấy điều kiện ở đây còn quá khó khăn và những ý tưởng giúp phụ nữ nghèo, khó khăn vươn lên còn “bỏ ngỏ” chưa kịp thực hiện, cùng với sự gần gũi, quý mến của tình đất, tình người đã níu chân mình tiếp tục cống hiến cho quê hương thứ hai – Tân Duyệt”. Khi ấy Thùy Dung mới 20 tuổi.

Thùy Dung luôn sâu sát cơ sở, tìm tòi nghiên cứu những mô hình hiệu quả triển khai cho chị em hội viên thực hiện, nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Dung cùng chị em trong Hội kiểm tra tình hình chăn nuôi tại Tổ hợp tác nuôi gà ấp Tân Long.

NỮ CHỦ TỊCH HẾT MÌNH VỚI CÔNG VIỆC

Năm 2006, sau tốt nghiệp lớp Trung cấp Hành chính – Chính trị, Thùy Dung được lãnh đạo xã phân công phụ trách công tác văn phòng; đến tháng 3/2011, được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Thùy Dung chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ mới, mình rất lo, vì chuyên môn của mình là văn phòng, chuyển sang công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, mình sợ không thể làm được, rồi tự nhủ với lòng “phải cố gắng, kiên trì”. Và đây là cơ hội để Dung thực hiện tâm nguyện giúp phụ nữ nghèo vươn lên”.

Phát huy vai trò cán bộ lãnh đạo Hội, là trung tâm đoàn kết phụ nữ, Thùy Dung luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để giúp chị em phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo. Dung không ngại khó khăn vất vả, tích cực tìm tòi, tham mưu với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động chị em cùng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Hội là “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên”. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, Hội Phụ nữ xã Tân Duyệt đã tổ chức cho hàng trăm lượt hội viên dự các lớp chuyển giao khoa học công nghệ, tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Để tạo vốn sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, Thùy Dung hướng dẫn các chi hội vận động chị em thành lập tổ tiết kiệm “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; số tiền tiết kiệm được dùng để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm tại chỗ, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình. Tuyên truyền, vận động trong hội viên thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì được 12 hũ gạo tình thương ở các ấp Tân Long, Tân Thành, Bàu Sen. Duy trì 11 tổ nuôi heo đất, 1 tổ hợp tác chăn nuôi ấp Đồng Tâm B, 1 tổ chăn nuôi gà ấp Tân Long. Mô hình xóa hộ trắng hội viên được nhân rộng, trong năm 2015 công nhận xóa hộ trắng hội viên ấp Tân Thành với 240 hội viên, nâng tổng số trên toàn xã có 3 ấp xóa hộ trắng hội viên…

Từ những cố gắng và sự tận tụy, hết lòng với công tác Hội, nhất là vận động hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã – Thùy Dung, đời sống của hội viên phụ nữ Tân Duyệt ngày càng được cải thiện và có chuyển biến tích cực. Mỗi năm, Hội Phụ nữ xã giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ trên 20% (năm 2000) đến nay xuống còn 11,7%.

Ông Hứa Trung Trực, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Tân Duyệt hiện là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Vào những năm 2000, xã mới tách điều kiện còn hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm đến 20%… tất cả mới bắt đầu và Thùy Dung, một tấm gương trí thức trẻ đã tình nguyện về xã và nỗ lực hết mình trong công tác để cùng với xã vượt khó gần 15 năm qua”. Chị Ngô Kim Phúc, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Tân Long, chia sẻ: “Tôi cảm nhận được ở Dung sự chân thành, nhiệt tình trong công tác Hội, luôn suy nghĩ và hành động cốt sao mang lại lợi ích cho chị em hội viên. Dung có lối sống giản dị, hòa đồng và sát sao với đời sống chị em. Một nữ trí thức trẻ tình nguyện, một cán bộ Hội như thế rất đáng trân trọng”.

Với thành tích đạt được trong công tác, nhiều năm liền Lâm Thị Thùy Dung được UBND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện Đầm Dơi tặng bằng khen, giấy khen. Nhưng có lẽ, phần thưởng quý giá nhất đối với chị – đó là sự tin cậy và tình cảm yêu mến của chị em hội viên nói riêng và nhân dân địa phương nói chung dành cho mình.

Với suy nghĩ “thử sức trẻ phục vụ xã khó”, nữ trí thức trẻ Lâm Thị Thùy Dung về với vùng đất khó Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Năm ấy, ở tuổi 18, lần đầu tiên xa gia đình, công tác ở một xã mới chia tách còn nhiều khó khăn thiếu thốn, tạm trú ở khu tập thể được làm bằng cây lá tạm bợ, song nụ cười vẫn điểm trên gương mặt cô gái trẻ trong suốt hành trình phục vụ xã khó. Và điều quý hơn là sau khi kết thúc Dự án, Lâm Thị Thùy Dung đã tình nguyện ở lại, nỗ lực công tác, góp phần giúp xã vươn lên gần 15 năm qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *