Nước mặn đe dọa vùng rừng U Minh Hạ

Khó khăn cũng là thách thức

Mùa khô không chỉ làm cho nguy cơ cháy nổ tăng cao, thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất, mà còn làm cho tình trạng xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng hơn. Nguy cơ xâm nhập mặn tại khu vực rừng tràm đang là vấn đề cần có giải pháp hữu hiệu hơn. Nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh phân tán chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiện nằm rải rác ở các địa phương. Trước tình hình đó, tỉnh Cà Mau đang tập trung điều chỉnh lại quy hoạch phát triển nông nghiệp và lập mới quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hệ thống cống ngăn mặn, giữ nước ở vùng rừng tràm U Minh Hạ đang xuống cấp và cần được đầu tư. Ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra hệ thống cống trên địa bàn huyện U Minh.

Câu chuyện người dân “lén lút” đưa nước mặn vào để nuôi tôm không còn quá mới mỗi khi bước vào mùa khô. Từ năm 2000 đến nay, có hàng trăm hecta đất lâm nghiệp ở vùng rừng U Minh được người dân chuyển thành vùng tôm – lúa kết hợp. Diện tích này tập trung nhiều ở xã Nguyễn Phích và Khánh Thuận (huyện U Minh) và một phần khu vực ấp Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Thủy lợi cũng là một trong những cái khó cơ bản của rừng U Minh Hạ. Bước vào mùa khô, toàn hệ thống cống trong khu vực này đều được đóng để giữ nước phòng cháy chữa cháy rừng, cũng như chống xâm nhập mặn; trong khi khu vực rừng trên địa bàn huyện U Minh có nhiều nơi tiếp giáp với vùng mặn nên nguy cơ xâm nhập mặn rất cao.

Rừng tràm U Minh Hạ đang từng ngày bị đe dọa bởi nước mặn.

Ý thức là tiên quyết

Huyện Trần Văn Thời cũng không nằm ngoài nỗi lo đó, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Sử Văn Minh trăn trở: “Tại khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ, 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, nguy cơ xâm mặn cũng đang ở mức cao, do người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm; đơn cử như khu vực cống T19 thuộc ấp Vồ Dơi (xã Trần Hợi) hiện có 11 hộ tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm. Huyện đã kiểm tra, xử lý nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng này”.

Ông Sử Văn Minh chia sẻ thêm: Biết và nắm hết “điểm nóng” về thực trạng xâm nhập mặn nên hằng năm khi đến mùa khô, huyện đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, khi xuống kiểm tra, lập biên bản hay đưa quyết định xử phạt, các hộ này đều ký và rất vui vẻ, nhưng không nộp phạt, với lý do… nghèo, không có tiền.

Mùa khô không chỉ làm cho nguy cơ cháy nổ tăng cao, thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất, mà còn làm cho tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng đưa nước mặn vào nuôi tôm đã diễn ra từ vài năm trước. Tuy nhiên, do không thể cưỡng chế trong xử phạt, lại chưa có biện pháp hữu hiệu nên tình trạng cứ tiếp diễn mỗi khi đến mùa khô. Nói về biện pháp khắc phục, ông Minh cho biết, do không có nguồn nước ngọt nên để rửa mặn chỉ còn cách đợi đến mùa mưa.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù là rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động, thực vật quý… Do đó, nếu để tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm tiếp diễn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng rừng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Trước những khó khăn và thách thức đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ông Lê Văn Sử chỉ đạo chính quyền địa phương kết hợp với các chủ rừng thường xuyên kiểm tra việc sản xuất theo quy hoạch, nhất là vùng giáp ranh với rừng, không để tình trạng xâm nhập mặn ngày một trầm trọng hơn. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có chuyến khảo sát tại 2 khu vực là xã Khánh Thuận (huyện U Minh) giáp với xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) và ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) để sớm đề xuất giải pháp kịp thời. Đặc biệt khẩn trương là khu vực Vồ Dơi, không thể lùi thời gian nữa, nếu lùi theo đề xuất của huyện Trần Văn Thời múc tuyến Kinh 300 để tách tôm ra khỏi rừng, thì xâm nhập mặn sẽ đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Rõ ràng, tình trạng xâm nhập mặn vào khu vực rừng tràm mỗi khi đến mùa khô đang có nguy cơ ngày một nghiêm trọng hơn. Nếu không có giải pháp căn cơ giúp người dân nhận khoán đất rừng phát triển sản xuất, bám trụ được với rừng, thì trong tương lai, diện tích rừng sản xuất hệ ngọt sẽ ngày càng mất nhiều hơn.

Ngay thời điểm này, hơn ai hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc chung tay cùng chính quyền địa phương đối phó với tác động của xâm nhập mặn và việc làm có ý nghĩa đầu tiên là hãy chấp hành tốt quy hoạch sản xuất của Nhà nước; hãy ý thức rằng mỗi hành vi đưa nước mặn vào nuôi tôm trái phép là đã góp phần làm cho diễn tiến xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *