Phản hồi của Công ty Ubee xung quanh báo cáo của các ban, ngành về việc nuôi ong Ý

Công ty Ubee đã di dời đàn ong nuôi ra khỏi khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Đầu tiên xin gửi lời cảm ơn đến Ban Biên tập Báo ảnh Đất Mũi đã quan tâm và có bài phản ánh khá toàn diện về quá trình nuôi ong thử nghiệm của Công ty Ubee tại vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) và các vấn đề liên quan đến con ong mà dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua, thông qua bài viết “Ong Ý có xâm hại tới môi trường bản địa rừng tràm U Minh Hạ?” đăng trên số báo 995, phát hành thứ Hai, ngày 17/4/2017.

Liên quan đến báo cáo của các ban, ngành tỉnh về việc nuôi ong Ý thử nghiệm của Công ty Ubee, chúng tôi cảm thấy khá bức xúc về nhận định của cơ quan chức năng. Do vậy, kính đề nghị Báo ảnh Đất Mũi tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, UBND huyện U Minh… để dư luận có cái nhìn toàn diện và đúng bản chất sự việc, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty.

Công ty Ubee trình bày các vấn đề dưới đây trên tinh thần thượng tôn pháp luật, với mong muốn các cơ quan chức năng từ thực tế các quy định của pháp luật về việc nuôi ong Ý tại Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng từ đó có quyết định khách quan, liên quan đến việc nuôi thử nghiệm ong Ý tại vùng đệm rừng U Minh Hạ thời gian qua.

Theo tìm hiểu của Công ty Ubee, việc nuôi ong Ý tại rừng U Minh Hạ đã có từ cuối năm 1975, xuyên suốt cho đến cuối năm 1992, có lúc phát triển cao nhất gần 2.000 đàn ong Ý hiện diện ở U Minh. Cho thấy sự chỉ đạo sáng suốt của các lãnh đạo thời kỳ bấy giờ trong việc khai thác tài nguyên rừng, không để lãng phí. Xí nghiệp ong Minh Hải thời bấy giờ là một trong bốn đơn vị lớn nhất trong cả nước về quy mô, sản lượng cũng như chất lượng mật ong.

Sự việc tưởng chừng đã kết thúc vào ngày 17/4/2017, khi Công ty Ubee được sự vận động, tuyên truyền của ngành chức năng đã di dời 220 đàn ong nuôi thử nghiệm tại 2 hộ dân tại Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh ra khỏi khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Tuy nhiên, ngày 19/4/2017, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau có Báo cáo số 375 , do ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc ký gửi UBND tỉnh và các ban, ngành tỉnh với nội dung chưa khách quan, chính xác khi áp dụng các quy định của pháp luật vào việc nuôi ong Ý thử nghiệm tại vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Liên quan đến báo cáo này, Công ty Ubee có một số vấn đề cần làm rõ:

Thứ nhất, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu: Việc đưa loài ong mới để nuôi Công ty Ubee chưa thực hiện đúng hồ sơ, thủ tục về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phù hợp với ngành Nông nghiệp (Khoản 1, Điều 19 của Pháp lệnh Giống vật nuôi); không có văn bản chủ trương chấp thuận của cấp có thẩm quyền việc quản lý vật nuôi theo quy định. Đồng thời, đối với cơ sở chăn nuôi ong lấy mật, mật ong, sữa ong chúa, sáp ong ở các cơ sở chăn nuôi, sơ chế, chế biến bảo quản, kinh doanh là đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y (Mục 2, Phụ lục I, Thông tư 09/2016, ngày 1/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có sự nhầm lẫn. Bởi ong Ý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Giống vật nuôi, vì ong Ý không phải là giống mới mà đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo Thông tư số 25, ký ngày 1/7/2015 có hiệu lực từ ngày 14/8/2015 (bao gồm các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên). Thêm vào đó, Công ty Ubee chỉ nuôi thử nghiệm ong Ý lấy mật, không sản xuất giống ong Ý mới, không kinh doanh giống ong Ý mới, không sản xuất và kinh doanh giống ong Ý. Theo Phụ lục II, Thông tư 25, năm 2016, ong Ý là đối tượng thuộc diện miễn kiểm dịch khi vận chuyển trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Thứ hai, báo cáo đề cập việc Ubee không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc đàn ong là không chính xác: Công ty Ubee đã có văn bản xác nhận của đơn vị hợp tác cả 270 đàn ong là ong Ý, các cơ quan chức năng của tỉnh khi kiểm tra nói là không đủ cơ sở, Công ty Ubee yêu cầu đối với con ong Ý cơ quan chức năng cần các văn bản gì chứng minh nguồn gốc để Công ty Ubee bổ sung, họ nói là thật tình họ cũng không biết là hồ sơ gì nữa!. Trên thực tế, kết quả định danh của Chi hội Chăn nuôi Cần Thơ và Bộ môn Chăn nuôi, thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng – Đại học Cần Thơ do Chi cục Chăn nuôi và thú Y Cà Mau gửi mẫu nhờ xác định cho thấy, đó là ong Ý và cơ quan chức năng của tỉnh tin đó là ong Ý. Trong khi yêu cầu Ubee xuất trình giấy tờ về xuất xứ nguồn gốc của đàn ong Ý tại Việt Nam, thử hỏi ai có thể làm được trong khi con ong Ý và các biến thể lai của nó đã có mặt ở Việt Nam gần 200 năm nay (!?)

Thứ ba, việc cơ quan chức năng yêu cầu có văn bản chấp thuận của các cấp có thẩm quyền: Việc nuôi ong Ý không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi ong Ý đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục Giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo Thông tư 25 nêu ở phần trên. Việc nuôi ong Ý trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đây cũng là văn bản pháp lý cao nhất đến thời điểm này liên quan đến việc nuôi ong Ý trên lãnh thổ Việt Nam và không đi kèm bất cứ điều kiện nào.

Thêm nữa, trong danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phục lục 4 của Luật Đầu tư có hiệu lực năm 2014, không có mục nuôi ong lấy mật. Vậy nếu xin phép cơ quan chức năng thì Công ty Ubee căn cứ vào đâu để xin phép, xin phép cái gì và cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để cấp phép, cấp phép cái gì? Hoàn toàn cảm tính về mệnh lệnh hành chính và thiếu thượng tôn pháp luật, nếu không muốn nói là “hành” doanh nghiệp (!?)

Báo cáo cũng cho rằng, trong quá trình tìm kiếm thức ăn, giao phối có thể có sự đấu tranh sinh tồn giữa các loài ong, có thể khiến đàn ong Ý sẽ bị suy thoái về chất lượng, giảm dần về số lượng hoặc sẽ lấn át, tiêu diệt các loài ong bản địa, trong đó có cả ong mật bản địa và nhiều loài ong thiên địch khác … Đây là ý kiến hết sức chủ quan, bởi cho đến nay đã có rất nhiều kết quả nghiên cứu về sự chung sống của loài ong Ý và ong bản địa (ong Khoái). Cơ quan chức năng hoàn toàn không có sự tham khảo hợp lý các giới chuyên môn, các chuyên gia nghiên cứu về tập tính của loài ong. Làm sao ong có thể tự lai giống như gia cầm được, ong chúa chỉ giao phối một lần trong đời và ở tại tổ cho đến chết. Việc lai tạo các giống ong chỉ có thể thực hiện được từ phòng thí nghiệm với sự can thiệp của chuyên môn. Như vậy, tính đa dạng sinh học về loài ong cho dù có lai tạo tự nhiên thì vẫn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Thông tư 27 năm 2013, cũng nêu rõ: “… Ong Ý không nằm trong danh mục loài xâm hại và có nguy cơ xâm hại”, một lần nữa cho thấy sự lo ngại của các ngành chức năng là không có cơ sở.

Thứ tư, việc yêu cầu phải có khoảng cách an toàn khi tiến hành nuôi thử ong Ý so với khu rừng đặc dụng: Ubee đã tham khảo cách nuôi ong Ý ở vùng đệm của Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang; Khu Dự trữ Sinh quyển Sông Hồng và một số vườn quốc gia khác trong cả nước. Ở những điểm nuôi này, vẫn tiến hành nuôi ong và khai thác mật bình thường (Công ty Ubee có thể cung cấp thông tin để liên hệ kiểm chứng). Nếu nuôi ong mà không nuôi cạnh rừng tràm để có nguồn mật và phần hoa thì đàn ong tồn tại bằng gì, có cách nào để đánh giá hiệu quả kinh tế ?. Công ty Ubee khẳng định, 220 đàn đặt trong vùng đệm rừng U Minh Hạ là để thu thập số liệu đánh giá hiệu quả kinh tế; 50 đàn đặt tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Cà Mau là để thu thập số liệu nhằm hoàn thiện báo cáo khoa học để giúp cho các ban, ngành liên quan có một góc nhìn toàn diện hơn về triển vọng nuôi ong Ý tại vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ, mà việc này đáng lý các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải làm nhằm chứng minh và trả lời cho người dân, đặc biệt là những hộ dân đã nhiều năm sống bằng nghề gác kèo ong về việc gây nuôi ong Ý có hiệu quả không?, thay vì Công ty Ubee. Hơn thế nữa, việc nuôi ong là để khai thác nguồn tài nguyên đang bị lãng phí trong nông nghiệp như mật hoa tràm, mật hoa nhãn, mật keo lai… Việc mật ong thu được Công ty Ubee đang chờ thủ tục công bố chất lượng để đưa sản phẩm ra thị trường với thương hiệu Ubee mật hoa tràm, Ubee mật hoa nhãn, Ubee mật đa hoa, Công ty Ubee cam kết không sử dụng thương hiệu mật ong U Minh Hạ.

Công ty Ubee ra đời trong bối cảnh này là muốn xây dựng sản phẩm mật ong mang thương hiệu Ubee, qua đó khai thác tối đa nguồn tài nguyên còn lãng phí của rừng tràm U Minh Hạ, đồng thời đây là một động lực to lớn khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển theo chủ trương của Chính phủ. Qua đó, Công ty Ubee cùng đồng hành với người dân làm giàu chính đáng ngay trên quê hương Cà Mau. Một điều mà đến thời điểm này Công ty Ubee cảm thấy băn khoăn, liệu số phận ong Ý có đáng “chết” ở rừng U Minh Hạ (!?)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *