45 năm, đất cực Nam bừng sáng

Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm đóng góp ngân sách của tỉnh hàng năm trên 2.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% nguồn thu ngân sách và tạo ra trên 30% việc làm cho lao động địa phương.

Cà Mau là căn cứ địa cách mạng…

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng; là chiến trường mà địch chọn để thí điểm các chiến thuật quân sự và thực nghiệm nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nên tính chất cuộc chiến nơi đây vô cùng khốc liệt. Đảng bộ, quân và dân vùng cực Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Nổi tiếng như: Mặt trận Tân Hưng, chiến thắng Nhị Nguyệt, chiến thắng Mương Điều… thời chống Pháp. Đánh tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi, Chi khu Cái Nước, cứ điểm Chà Là, tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh vào tận sào huyệt của địch tại thị xã Cà Mau và cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Địa bàn Cà Mau từng là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị vùng Tây Nam Bộ, gắn với hoạt động của nhiều đồng chí cách mạng tiền bối: Lê Duẩn, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… Nhân dân Cà Mau đã đùm bọc, chở che bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao. Cán bộ, chiến sĩ cách mạng xây dựng nên căn cứ lòng dân vững chắc mà kẻ thù không thể khuất phục được. Mũi Cà Mau là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược của đường Hồ Chí Minh trên biển, đến nay còn để lại sự huyền bí về ý chí oai hùng và sứ mệnh lịch sử của những “con tàu không số” mà Anh hùng Bông Văn Dĩa của Cà Mau trở thành tiêu biểu. Trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, Cà Mau lập nên chiến công CM12 vào năm 1984, phá tan kế hoạch xâm nhập của tổ chức phản động ở nước ngoài do bọn Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu. Những chiến công và tấm gương đó đi vào lịch sử là niềm tự hào mãi mãi của quê hương Cà Mau.

Đảng bộ và quân, dân Cà Mau mãi ghi nhớ, tri ân những anh hùng đã ghi vào lịch sử như Tiểu đoàn U Minh, Đội nữ pháo binh Cái Nước, Anh hùng Bông Văn Dĩa, Trần Văn Thời, Phan Ngọc Hiển, Lâm Thành Mậu, Nguyễn Việt Khái, Hồ Thị Kỷ, Lý Văn Lâm, Phạm Thị Bay… cùng 10.836 thương binh và 16.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Suốt chặng đường đầy khó khăn gian khổ, Đảng bộ và quân, dân tỉnh Cà Mau đã đoàn kết một lòng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, giành nhiều chiến công vang dội giải phóng tỉnh Cà Mau, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những cống hiến to lớn đó, Cà Mau vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cà Mau đang vượt qua nhiều thách thức để khai thác hiệu quả thế mạnh, làm giàu từ nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản.

“Sửa soạn” ngày càng đẹp hơn

Từ vùng đất mưa bom, bão đạn năm xưa, Cà Mau giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2019, thu ngân sách đạt trên 5.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,32%; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là về giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn; TP. Cà Mau trở thành đô thị loại II, các thị trấn, khu dân cư tập trung đang trên đà phát triển. Đặc biệt, các công trình lớn của Trung ương đầu tư trên địa bàn: Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm, đường Hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh nối liền Đất Mũi… đã góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Là một trụ trong “tứ giác động lực” phát triển ĐBSCL, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, mà đặc biệt là ngành hàng tôm. Tỉnh Cà Mau xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh, đất nước. Mục tiêu đến năm 2025 có tổng diện tích nuôi tôm 280.000ha, sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng, đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng trên 50%, giá trị kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD.

10 năm trở lại đây, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng là ngần ấy thời gian Cà Mau bứt phá vươn lên, với quan điểm tuy đi chậm mà chắc, làm thay đổi thực chất diện mạo quê hương. Đến nay, toàn tỉnh có 34/82 xã NTM. Một trong những nội dung cốt lõi mà Cà Mau đặc biệt quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thực hiện trong hành trình xây dựng NTM chính là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, bằng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đa dạng các loại hình liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, khai thác đúng lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của Cà Mau đã được nhiều tỉnh, thành phố đến tham quan, học tập kinh nghiệm và đánh giá cao về chất lượng phục vụ cũng như những tiện ích mang lại… Trong năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo bước phát triển đột phá trong CCHC: Triển khai ứng dụng Zalo vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho các doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra CCHC theo hướng tăng cường công tác kiểm tra đột xuất…, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với kết quả giải quyết TTHC tại các đơn vị được nâng cao.

Trong guồng phát triển chung, những tháng đầu năm 2020, Cà Mau đối mặt với nhiều thách thức lớn của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở lộ giao thông nghiêm trọng; đồng thời dồn lực phòng tránh đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhiều nhiệm vụ quan trọng phải gác lại, trong đó có việc tổ chức đại hội đảng các cấp. Song, với truyền thống đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, quân và dân trong mọi chặng đường phát triển, chúng ta tin tưởng mảnh đất này sẽ tiếp tục vươn lên từ quyết tâm của lòng người và khát vọng đổi mới. Như những biểu dương, kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến về làm việc với Đảng bộ tỉnh vào những ngày cuối năm 2019: “Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, quân và dân Cà Mau tiếp tục phát huy những tiềm năng to lớn, bước vào một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *