Cà Mau triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngành chức năng phải hướng dẫn người chăn nuôi lợn cách vệ sinh chuồng trại để phòng chống bệnh dịch. Ảnh: THANH MINH

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, TP. Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn nêu trên; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó lưu ý: Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi lợn thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất từ hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ ra vào cơ sở chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn các nguồn có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi. Rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; tăng cường nhân lực cho việc kiểm soát giết mổ để đảm bảo động vật được đưa vào giết mổ đều khỏe mạnh. Xử lý triệt để các chất thải, nước thải trong quá trình giết mổ.

Việc xử lý, chôn lấp lợn bệnh phải đảm bảo yêu cầu tiêu diệt được virus dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức diễn tập ứng phó dịch tả lợn châu Phi; xây dựng phương án xử lý đối với trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào tỉnh; tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông theo kế hoạch được duyệt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan bố trí đầy đủ lực lượng để kiểm soát chặt chẽ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển vào địa bàn tỉnh.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 295 xã, 63 huyện thuộc 20 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và mới nhất là Lai Châu. Tổng số lợn bị tiêu hủy tính đến thời điểm này là hơn 35.000 con. Như vậy, tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, kéo dài từ miền Bắc vào miền Trung.

Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Theo PGS. Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác: Tai xanh, cúm, thương hàn… Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người, bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ. Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não. Trước tốc độ lây lan nhanh, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *