Chính sách dân tộc, tôn giáo ở Cà Mau sau 20 năm tái lập tỉnh

Cuộc sống no ấm trên vùng đồng bào dân tộc xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Hai mươi năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh luôn khẳng định vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo và công tác dân tộc, công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh. Đảng bộ Cà Mau nhất quán quan điểm, nguyên tắc về chính sách dân tộc. Qua mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh kịp thời bổ sung, phát triển những nội dung mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội qua các kỳ đại hội Đảng, đều quan tâm sâu sắc đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tính đến năm 2016, tỉnh xây dựng nhà ở cho hơn 12 ngàn hộ dân tộc thiểu số nghèo, giúp bà con an cư lạc nghiệp.

Từ Hội nghị Trung ương 7 (Khóa IX), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, trong đó nêu rõ những quan điểm cơ bản, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của công tác dân tộc trong thời kỳ mới. Đến Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta… ”.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh quán triệt và thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án quan trọng của Trung ương, có tác dụng to lớn đối với đồng bào dân tộc của tỉnh: Quyết định 135/1998 về Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định 134/2004, Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS… Các nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nam Bộ; các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo của tỉnh…

100% xã có trường lớp mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, phổ thông Dân tộc bán trú, nội trú – Ảnh: Trường Tiểu học Lung Ranh, tại khu tái định cư Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh).

Cà Mau đã có 4 huyện, 9 xã với trên 100 ấp được thụ hưởng, nhờ vậy, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào các DTTS của tỉnh ngày càng ổn định. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục – đào tạo đã có những chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư phát triển hơn; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm nhanh; Cà Mau đã cơ bản giải quyết được những bức xúc về nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, việc làm cho bà con DTTS.

Hàng năm, tỉnh còn huy động và sử dụng hiệu quả gần 200 tỷ đồng từ các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, giúp gần 30.000 hộ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, để đầu tư phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 15.000 lao động, đưa khoảng 12.000 người đi lao động tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ lao động không có việc làm trong tỉnh giảm từ 6,6% xuống còn 5,4%.

Để giúp đồng bào nghèo không đất ở, nhà ở, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án tái định cư ở các huyện: Năm Căn, Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh; giúp hơn 3.000 hộ ổn định cuộc sống, tránh được tình trạng du canh, du cư, tạo cơ hội cho đồng bào thoát nghèo. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2% (tương đương 6.000 hộ); riêng các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 và các xã thuộc bãi ngang ven biển, giảm bình quân 4%/năm.

Tính đến năm 2016, tỉnh xây dựng nhà ở cho hơn 12 ngàn hộ DTTS nghèo, hỗ trợ 47 khu đất ở, với diện tích trên 879.300m2, tổng kinh phí khoảng 31 tỷ đồng, để đồng bào khó khăn xây dựng nhà ở, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống; triển khai hỗ trợ cho 146 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với diện tích được giao khoảng 343.000m2. Trong đó, đất ở 34 hộ, đất sản xuất 31 hộ, đất ở và đất sản xuất 81 hộ. Diện tích đất còn lại các huyện đang tiếp tục bàn giao cho các hộ đồng bào DTTS nghèo sử dụng, sản xuất. Có 100% xã vùng dân tộc, xã 135 đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã; 97,3% xã số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có lớp mẫu giáo, trường tiểu học, THCS; trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú, 100% xã có trạm y tế; nhiều xã 135 có nhà văn hóa…

Với phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào các DTTS tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Các tổ chức tôn giáo đã vận động, quyên góp được nhiều tỷ đồng ủng hộ đồng bào nghèo; tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân…

Nhìn lại 20 năm tái lập tỉnh, có thể khẳng định rằng, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nói chung, Cà Mau nói riêng về dân tộc, tôn giáo là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp đồng bào DTTS của tỉnh. Đồng bào các DTTS ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, góp phần khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *