Đâu khó, có… phụ nữ

Điểm tựa của chị em nghèo

Thời gian gần đây, nhiều người “mách” nhau về cách vận động người dân tham gia BHYT rất hiệu quả của xã Tạ An Khương. Là người khởi xướng mô hình tiết kiệm mua BHYT tại xã, chị Hà Ngọc Tính, Tổ trưởng Tổ 1, cho biết: “Đa phần các chị em vùng quê hay “giấu bệnh”, vì mỗi lần đi khám bệnh tốn rất nhiều tiền, nên khi phát hiện bệnh, các chị thường “lướt” cho qua. Từ thực tế đó, tôi mới bàn với chị em tiết kiệm để mua BHYT cho bản thân. Mỗi tháng hùn 50 ngàn đồng/chị”.

Đến ấp Hàng Còng ngay thời điểm các chị đang họp tổ, nét mặt ai cũng rạng rỡ. Bà Nguyễn Thị Kháng phấn khởi: “Nhờ các chị em tôi mới mua được BHYT để khám bệnh định kỳ. Nhớ trước đây, khi bệnh toàn tự đi mua thuốc ngoài”. Bà Kháng năm nay đã 69 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, có lúc nhà không tiền, chỉ mua tạm vài liều thuốc về uống nhưng từ khi tham gia vào tổ tiết kiệm, bà mua được BHYT và đã đi khám bệnh định kỳ. Bà Kháng cho biết: “Cứ hai tuần là tôi lên Bệnh viện Đa khoa TP. Cà Mau lấy thuốc 1 lần, nhờ vậy mà bệnh cũng được thuyên giảm”.

Chị Hà Ngọc Tính (thứ hai từ phải sang) luôn quan tâm đến đời sống của phụ nữ trên địa bàn ấp. Chị cũng là người đầu tiên khởi xướng mô hình tiết kiệm góp vốn xoay vòng để mua Bảo hiểm y tế trong tổ, hội.

Chị Tính phân trần: “Nhiều chị em trên địa bàn ấp còn xem nhẹ việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đối với một số chị em, số tiền mua BHYT khá cao nên họ chỉ ưu tiên mua cho người già, trẻ nhỏ và người bệnh nặng trong gia đình. Bằng hình thức góp vốn xoay vòng để tiết kiệm mua BHYT đã giúp cho chị em có điều kiện chăm sóc tốt hơn sức khỏe bản thân”.

Gắn bó với công tác hội hơn 11 năm, chị Tính trải qua biết bao thăng trầm trong việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Chị chia sẻ: “Công tác vận động ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, có chị cho rằng sức khỏe của bản thân đang rất tốt, không cần phải mua BHYT. Hoặc có chị đồng ý tham gia nhưng khi biết phải đóng trên 700 ngàn đồng mới mua được BHYT thì ngần ngại xin rút ra…”.

Năm 2014, chồng bà Nguyễn Thị Hoàng (tổ viên) là ông Trần Văn Chơn bị bệnh nặng. Bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh chẩn đoán ông bị não úng thủy, cần mổ gấp. Chi phí cho ca mổ trên 200 triệu đồng. Cũng may là trước đó vài tháng bà Hoàng đã mua BHYT cho ông. Nhờ vậy, gia đình chỉ trả 20%, còn lại 80% do bảo hiểm chi trả. Bà Hoàng nhớ lại: “Thời điểm đó mà không có BHYT chắc ông nhà tôi không qua khỏi”.

Từ những thuyết phục cụ thể, nhiều chị em đã tham gia đóng góp gây quỹ. Con số bắt đầu chỉ một vài người tham gia, đến nay đã có trên 90% phụ nữ ấp sử dụng BHYT. Riêng Tổ 1 có 100% phụ nữ có BHYT.

Đặc biệt, có những hộ cần mua 2 BHYT cho người thân nhưng số tiền góp chỉ đủ cho 1 thẻ thì chị Tính cho mượn thêm tiền để mua. Ngoài ra, chị còn mua tặng cho phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn để phần nào giúp chị em giảm bớt khó khăn khi bệnh tật. Việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Từ mô hình của phụ nữ ấp Hàng Còng đến nay đã nhân rộng được ở 9/9 ấp của xã.

Chị Hồ Kim Huyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: “Hiện xã có trên 85% số hộ sử dụng BHYT thường xuyên, mô hình đã phát huy tác dụng tích cực, giúp phụ nữ có điểm tựa vững chắc, yên tâm mỗi khi đau ốm”.

Các mô hình kinh tế đã giúp cho nhiều chị em vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ở đâu khó – ở đó có phụ nữ

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nhất là phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” bằng những việc làm cụ thể: Vận động đưa con em trong độ tuổi đến trường, không để trẻ bỏ học giữa chừng; cung cấp kiến thức từ sách báo, phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về nuôi và chăm sóc trẻ chống suy dinh dưỡng; vận động các thành viên trong gia đình không tham gia các tệ nạn xã hội: Cá độ, đánh bài, đá gà…; tham gia trồng và chăm sóc, cắt tỉa, dặm lại các cây xanh, hàng rào cây xanh, tham gia phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ phụ nữ nghèo, phát quang bụi rậm, đổ rác đúng quy định, xây dựng cầu tiêu hợp vệ sinh…

Ngoài ra, các cấp hội làm tốt công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018 – 2025. Hội ký kết chương trình khởi nghiệp cho phụ nữ về mua trả góp bồn nhựa chứa nước sạch. Đến tháng 9/2018, hội viên mua 450 bồn chứa nước góp phần thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới. Song song đó, để tạo điều kiện tốt cho chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, Hội phát động chị em tiếp tục phát huy các mô hình huy động vốn nội lực bằng nhiều hình thức: Hùn vốn xoay vòng với mức vốn từ 200.000 đến 1 triệu đồng/tháng, có trên 870 chị tham gia ở 26 tổ của các chi hội; hùn vốn tiết kiệm tăng dần mức vốn từ 50 – 100 ngàn đồng, có 1.224 chị tham gia, mức vốn trên 155 triệu đồng cho 55 chị vay để mua bán, chăn nuôi.

Nhờ siêng năng, các chị em đã giúp cho những tuyến đường liên ấp ngày càng sạch đẹp hơn.

Điều đáng trân trọng là các phong trào của phụ nữ xã Tạ An Khương không hề nặng về hình thức, số lượng mà luôn đặt chất lượng mô hình, ý nghĩa thực tiễn lên hàng đầu. Vì vậy mà các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ xã luôn tạo được nét riêng biệt, đậm dấu ấn hơn các địa phương khác.

Chị Huyên cho biết: “Nhiều mô hình không ngừng thu hút hội viên tham gia, đã giúp cho chị em thoát nghèo. Khi tham gia vào mô hình, các chị em càng tin tưởng vào tổ chức hội. Tham gia vào hội không chỉ giúp chị em có vốn phát triển kinh tế mà còn được trao đổi thêm kiến thức nuôi dạy con cái, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Từ đó, góp phần cùng với địa phương giữ vững và nâng chất những tiêu chí nông mới đã đạt được”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *