Lòng dân với rừng

Từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, ông Nguyễn Thanh Tuấn thường xuyên túc trực Tổ máy bơm tại địa bàn phân công.

Hiện nay đang vào cao điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt đã làm cho trên 80% diện tích rừng tràm tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ bị khô hạn và báo động cháy từ cấp 4 đến cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Người dân sống dưới tán rừng tràm đã và đang tích cực chung tay cùng các ngành chức năng quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Những năm gần đây, công tác bảo vệ và PCCCR ở tỉnh đạt kết quả tốt khi có sự kết hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan với các huyện có rừng: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, nhằm tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, lấy dân làm nòng cốt trong PCCCR. Từ đó, công tác tổ chức xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, bảo vệ rừng bằng hình thức vận động người dân tham gia với dạng hợp đồng, vào những tháng cao điểm của mùa khô đã phát huy tác dụng.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2015.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ: “Hằng năm, bước vào những tháng cao điểm mùa khô, đơn vị tiến hành họp dân, tuyên truyền ý thức PCCCR, vận động mỗi nhà đều có người ở nhà và chuẩn bị sẵn các dụng cụ thô sơ đáp ứng yêu cầu PCCCR khi có sự cố xảy ra; vận động dân thay nhau canh lửa ở các chòi canh. Mặt khác còn hợp đồng lực lượng PCCCR trong dân… góp phần hạ thấp tình trạng cháy rừng đến mức thấp nhất”.

Có đi mới biết, có nghe mới hiểu vì sao người dân ngày càng yêu rừng đến thế. Ông Phan Thanh Liêm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 13 (xã Khánh An, huyện U Minh): “Nông dân sống dưới tán rừng nay đã khác xưa, đời sống cũng được nâng lên rất nhiều. Bởi tất cả các nguồn thu từ trồng chuối, hoa màu, cá đồng, lúa… hằng năm cũng được trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình trồng tràm thâm canh, rút ngắn thời gian khai thác cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Vì thế, người dân rất quyết tâm bám rừng, chung tay bảo vệ rừng, vì rừng chính là sự sống của mọi người”.

Anh Nguyễn Văn Tính (bìa trái) chuẩn bị sẵn các dụng cụ thô sơ tại nhà, phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Anh Nguyễn Văn Tính, đoàn viên Chi đoàn ấp Vồ Dơi, thành viên tiêu biểu trong Đội PCCCR của xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác Gác kèo ong Số 7, ấp Vồ Dơi, với 30 thành viên tham gia. Anh Tính bộc bạch: “Tôi trực tiếp tham gia chữa cháy rừng nhiều lần, giữa thời khắc “thập tử nhất sinh” của rừng, tôi càng thấy quý giá trị của rừng và quyết tâm bảo vệ. Nay Vườn Quốc gia U Minh Hạ vinh dự được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng không ngừng sinh lợi cho dân từ mô hình gác kèo ong, đến trồng rừng, cá đồng, hoa màu, lúa… Vì thế, dân ra sức bảo vệ là điều hiển nhiên”.

Từ mô hình trồng chuối, dừa, màu, cá đồng, lúa và rừng… hằng năm gia đình ông Phan Thanh Liêm thu về trên 100 triệu đồng.

Còn đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn, ông đã gắn bó với rừng trên 20 năm với vai trò Tiểu khu trưởng Lâm trường U Minh 1. Cuối năm 2014, ông Tuấn xin nghỉ việc về với gia đình ở Ấp 13 (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). Những tưởng đã chấm dứt “duyên nợ” với rừng, về quê để an hưởng tuổi già, nhưng ông lại tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ trực Tổ máy bơm Ấp 15, xã Nguyễn Phích. Ông Tuấn được mọi người gọi là “bậc thầy” trong việc xác định vị trí mũi khói phát ra dưới tán rừng và từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, ông thường xuyên túc trực Tổ máy bơm tại địa bàn phân công. Ông Tuấn chia sẻ: “Rừng là lá phổi xanh, là sự sống của chúng ta, vì thế tôi luôn tâm niệm còn sức khỏe thì còn góp sức bảo vệ rừng. Bà con nơi đây từ già đến trẻ ai cũng có ý thức chăm lo trồng cây gây rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thay nhau canh giữ, góp phần hạn chế được tình trạng chặt phá, cháy rừng…”.

Ông Lê Thanh Dũng: “Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và PCCCR, hằng năm khi kết thúc công tác PCCCR mùa khô, đơn vị đều xét khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, đơn vị cũng xin kinh phí tỉnh tổ chức ăn tết cùng dân cư vùng đệm, tặng 500 phần quà và điện thoại di động, tạo sinh khí phấn khởi trong dân. Từ đó, góp phần động viên tinh thần người dân, tích cực cùng các ngành chức năng trong công tác bảo vệ và PCCCR”.

Hiện nay đang là giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, nhất là những người dân sống ở khu vực ven rừng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *