Trở lại xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh

Kinh tế chủ lực của xã là nuôi thủy sản.

Đặc biệt ưu tiên những tiêu chí khó

Tân Dân là xã duy nhất của tỉnh có 100% tuyến lộ từ 1,5 – 2,5m đấu nối các ấp và các trục lẻ của ấp. Tuy nhiên, khó khăn của xã hiện nay là nhiều đoạn lộ giao thông đã bị xuống cấp do có nhiều tuyến được xây dựng từ rất lâu. Ngoài ra, do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thủy triều và nhiều hộ dân xổ cống lấy nước ra vào để nuôi tôm nên nhiều tuyến lộ bị sụt lún. Để duy trì và nâng cấp các tiêu chí đã đạt, xã tiếp tục vận động nhân dân cùng tham gia góp sức, đồng thời kiến nghị để có vốn phục vụ công tác duy tu lộ giao thông nông thôn. Trong năm 2017 và 2018, xã sửa chữa hơn 40 đoạn lộ hư hỏng, với chiều dài khoảng 3.000m, kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Là một trong những người đi đầu trong phong trào giúp dân làm lộ, anh Nguyễn Văn Định, Bí thư Chi đoàn ấp Tân Phú: “Đoàn viên trong ấp rất chủ động, khi có điểm nào lún là cùng nhiều hộ dân lấp đất lại liền, để lâu ngày sụt lún nhiều tốn chi phí lắm. Những chỗ nào lún nhiều thì vận động chủ nhà đổ đá, lấp thêm xi-măng cho chắc chắn hơn”.

Đoạn dài nhất hơn 15m, ngắn nhất thì khoảng 3m, tháng nào cũng có công trình để ra quân, đội hình sửa lộ tại ấp Tân Phú đã kịp thời có mặt tại những đoạn đường hư hỏng. Không kinh phí, thiếu dụng cụ, hiệu quả công trình có được chính là từ sức trẻ và kinh nghiệm tích lũy ở hàng trăm vị trí sụt lún đã được các anh khắc phục trong nhiều năm qua.

Tiêu chí môi trường, một trong những tiêu chí khó giữ vững nhưng nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân nên hơn 5 năm qua, tiêu chí này chưa hề bị rớt chuẩn. Hơn 50m hàng rào trồng bằng cây chuỗi ngọc được chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận, giúp tuyến đường tại ấp Tân Phú thêm thoáng đẹp là nhờ bàn tay tỉ mỉ của chị Nguyễn Thị Tia.

Chị Tia cho biết: “Qua công tác tuyên truyền vận động của các cấp hội phụ nữ về mô hình “5 không, 3 sạch”, chị em phụ nữ trong ấp hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể, xây dựng các mô hình tạo cảnh quan. Ngoài ra, thực hiện tốt việc thu gom và phân loại rác để tiêu hủy, tạo phân để bón cây”.

Bà Trương Ngọc Chuyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, phấn khởi: “Từ những việc làm thiết thực đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, tự giữ vệ sinh trên phần đất, phần lộ của mình, góp phần giữ vững tiêu chí môi trường cho địa phương”.

Xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, sự đồng tâm hiệp lực của người dân đã đưa xã nông thôn mới Tân Dân ngày càng thêm mới.

Phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững

Ngoài nuôi tôm, Tân Dân còn chủ động phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế mang tính bền vững, cho thu nhập cao. Điển hình như mô hình làm tôm khô của anh Lê Minh Sang (ấp Tân Hiệp) bắt đầu từ năm 2014, đã tạo được việc làm cho hơn 25 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Qua 4 năm thử nghiệm, đến nay tôm khô của gia đình anh không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến mà còn vươn ra các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, chính anh cũng là người tạo nên thương hiệu tôm khô Sông Đầm, thu nhập bình quân 900 triệu đồng/năm. Không dừng lại đó, anh muốn đưa thương hiệu tôm đi xa hơn nữa. Năm 2017, anh chế tạo thành công máy làm chà bông tôm khô, đây là sản phẩm mới nhưng rất được người tiêu dùng đón nhận.

Anh Bùi Ngọc Quý, cán bộ chuyên trách NTM của xã, cho biết: “Ngoài mô hình làm tôm khô, xã còn hỗ trợ cho nhiều hộ dân phát triển nhiều mô hình mới: Nuôi chồn, nuôi dê, trồng rau màu… cho thu nhập cao và bền vững”.

Ngoài làm tôm khô, anh Sang còn sáng chế máy làm chà bông tôm, hiện thị trường rất ưa chuộng sản phẩm này.

Điều đáng nói là những mô hình kinh tế này được hình thành từ sau khi xã được công nhận đạt chuẩn. Hòa vào niềm vui chung của xã về đích NTM, không chỉ thôn xóm rộn ràng mà phong trào thi đua sản xuất của nhân dân cũng rộng khắp. Như hộ anh Huỳnh Thanh Tuấn (ấp Tân Hiệp), ngoài nuôi thủy sản, anh “tập tành” nuôi dê. Anh Tuấn cho biết: “Ban đầu chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nên nuôi ít, khi bắt tay vào nuôi, thấy cũng dễ nên tôi nhân rộng mô hình”. Từ 1 con giờ đàn dê nhà anh có trên 30 con lớn nhỏ, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ việc bán dê giống.

Anh Nguyễn Như Vàng, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Kinh tế – xã hội của xã phát triển nhanh. Đời sống người dân ngày một nâng cao. Đặc biệt là từ khi được công nhận đạt chuẩn, nông thôn phát triển khá toàn diện, cơ sở hạ tầng, môi trường sống được cải thiện rõ nét. So với trước đây đã đổi thay hoàn toàn”.

Trước khi xây dựng NTM: Thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng/người/năm; đến năm 2014, tăng lên 29 triệu đồng/người/năm và đến nay là 44 triệu đồng. Từ 7,4%, đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,2%. Qua 4 năm được công nhận, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,66%. Trong đó, tỷ lệ hộ khá giả chiếm trên 85%. Điều đáng mừng là ở ấp Tân Phú chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo.

Thực tế cho thấy, xây dựng NTM là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện ở địa phương. Sau khi được công nhận đạt chuẩn, phong trào xây dựng NTM ở Tân Dân còn mạnh mẽ hơn, thông qua các phần việc cụ thể, thiết thực. Đây là nền tảng vững chắc để nhân rộng trong toàn huyện, hướng tới xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *