Xuất khẩu lao động – khó nhưng phải làm!

Tại Icogroup Cà Mau, trong số 13 giáo viên dạy tiếng nước ngoài, có 9 người đã từng tham gia xuất khẩu lao động tại nhiều thị trường.

Năm đầu chỉ đạt 0,6% chỉ tiêu

Với mục tiêu sẽ đưa 100 lao động xuất khẩu trong năm 2018, nhưng đến cuối năm 2018, tỉnh mới đưa được có 6 lao động xuất khẩu. Nguyên nhân do đâu?.

Đầm Dơi là huyện không có lao động nào xuất khẩu trong năm 2018; sang đầu năm 2019, huyện chỉ mới đưa được 2 lao động đi làm việc theo đề án. Cho biết về kế hoạch triển khai đề án tại địa bàn xã, ông Lê Minh Còn, Phó Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Đông, cho biết: “Ở địa bàn nông thôn, trình độ người lao động vẫn là một khó khăn lớn. Nhiều lao động phù hợp độ tuổi, có sức khỏe, tuy nhiên trình độ chưa hết cấp 2 là trở ngại khiến họ khó tiếp cận với đề án. Do đó, trường hợp đối tượng nào phù hợp nhu cầu, địa phương xúc tiến ngay việc tư vấn. Bước đầu đã có 1 lao động đã đi học tập theo đề án vào đầu năm 2019”.

Nếu năm 2018, chỉ tiêu chỉ có 100 lao động đi làm việc nước ngoài, thì năm 2019 chỉ tiêu của đề án tăng lên 4 lần, tương đương 400 lao động sẽ sang làm việc tại các thị trường ngoài nước. Vấn đề giải quyết những khó khăn để thực hiện chỉ tiêu tiếp tục được đặt ra.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đầm Dơi, trần tình về những vướng mắc sau 1 năm triển khai: “Do nhận thức chưa sâu sắc của bộ phận không nhỏ người dân tại địa bàn nông thôn, đa phần khi tư vấn, bà con có tâm lý ngại cho con em làm việc xa nhà. Ngoài ra, việc giải quyết nguồn vốn vay đang là một vướng mắc rất lớn mà người lao động gặp phải. Vấn đề hỗ trợ vốn, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại cho đối tượng người lao động không thuộc diện chính sách còn nhiều bất cập. Chủ trương của tỉnh đồng bộ nhưng thủ tục bên ngân hàng chưa đồng bộ là lý do khiến nhiều người chưa mặn mà”.

Ông Bình cũng cho biết trong năm 2019, huyện đặt ra mục tiêu đưa 48 lao động đi làm việc theo đề án, trong đó mỗi xã được phân bổ chỉ tiêu 3 người. Con số thì nhỏ nhưng lại là một thách thức lớn đối với địa phương trước tình hình hiện nay.

Trao đổi về vấn đề 400 lao động xuất khẩu trong năm 2019, ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau, cho biết: “Sẽ gặp nhiều khó khăn, phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, toàn xã hội trong việc tuyên truyền, khuyến khích con em mình tham gia xuất khẩu lao động. Một trong những lợi ích được xác định khi triển khai đề án tại Cà Mau chính là người lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về, cùng với năng lực và trình độ chuyên môn thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm và tiếp tục ra nước ngoài lao động. Ngoài ra, họ còn tích lũy được một số vốn để cải thiện cuộc sống, khởi nghiệp, làm giàu và thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động tại địa phương”.

Cơ hội xuất khẩu lao động luôn đến với những người thực sự có tâm huyết, chuyên tâm học hỏi nâng cao trình độ.

Cơ hội luôn rộng mở

Trở về nước sau hơn 10 năm lao động tại thị trường Hàn Quốc, anh Nguyễn Quốc Lịnh (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) đã tích lũy cho mình đủ nguồn vốn kinh doanh ổn định tại quê nhà. Xuất phát điểm là bộ đội xuất ngũ và bí kíp “mỗi ngày 3 từ vựng” giúp anh có thể đạt mức lương gần 60 triệu đồng/tháng tại Hàn Quốc, với công việc quản lý lao động. Trở lại Việt Nam, ngoài kinh doanh riêng ở gia đình, anh Lịnh còn cộng tác với Tập đoàn Icogroup để dạy tiếng Hàn Quốc cũng như văn hóa Hàn Quốc cho những bạn muốn tìm cơ hội ở môi trường làm việc mới. Anh Lịnh chia sẻ: “Cũng giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc đặc biệt quan trọng sự cố gắng ban đầu của người lao động”.

Từng tốt nghiệp trung cấp điện tử và có 7 năm làm việc trong ngành công nghiệp xe hơi tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Ngọc Bảo (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) trở về và dễ dàng có được công việc thông dịch viên, giáo viên dạy tiếng Hàn cho các trung tâm. Nói về cơ hội làm việc tại nước bạn trong những năm trước, anh Bảo cho biết đó là dịp để bản thân trải nghiệm môi trường mới, được tìm hiểu về đất nước mới, có thu nhập, về nước dễ dàng kiếm việc tại công ty Hàn Quốc hoặc công ty đòi hỏi điều kiện biết tiếng Hàn. “Học ngoại ngữ càng kỹ, càng siêng năng ngay từ khi ở Việt Nam sẽ là một điều kiện cần thiết, tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động được phát triển nhanh hơn ở Hàn Quốc”.

Năm 2018, tỉnh Cà Mau có 68 lao động xuất khẩu nước ngoài, trong đó đa phần chi phí đều do vay mượn bên ngoài hoặc gia đình bỏ ra, chỉ có 6 đối tượng xuất khẩu lao động theo đề án.

Tại Icogroup Cà Mau, trong số 13 giáo viên dạy tiếng nước ngoài tại đây, có 9 người đã từng tham gia xuất khẩu lao động tại nhiều thị trường. Ngoài lợi ích kinh tế, vốn ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa bản địa giúp họ kiếm được việc làm, thu nhập ổn định khi trở về nước, dễ dàng tìm cơ hội cộng tác với công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp Cà Mau cho các đối tượng nợ những khoản không có khả năng đóng ban đầu, đồng thời có thể giải quyết nhu cầu nếu tỉnh có 1.000 – 2.000 lao động đủ điều kiện xuất khẩu. Ông Đinh Phước Thiện, chuyên viên tuyển dụng của công ty Haindeco chi nhánh Hồ Chí Minh – một công ty có sự liên kết với Cà Mau trong xuất khẩu lao động – cho biết: “Trong 10 năm qua, không có trường hợp nào người lao động đến với công ty mà bị công ty bỏ rơi, đồng thời cam kết hỗ trợ, giúp người lao động trưởng thành, phát triển. Như ở Cà Mau vừa rồi có 6 trường hợp đi xuất khẩu lao động, công ty đều giải quyết cho các bạn”.

Điều kiện tốt luôn đi kèm với những thách thức, nhiều người gặt hái được “trái ngọt” từ quá trình lao động tại nước ngoài là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định, bất cứ người lao động nào đủ điều kiện đều sẽ có cơ hội được xuất khẩu lao động.

Trở lại với con số 400 chỉ tiêu của đề án trong năm 2019 và số nợ 94 chỉ tiêu năm 2018, tiếp tục đặt ra những vấn đề cần sự điều chỉnh từ Ban Chỉ đạo Đề án cũng như công tác thông tin, để người cần việc nắm, hiểu, chạm đến những cơ hội và những ưu đãi từ chính sách của tỉnh, từ ưu đãi nhà tuyển dụng và nhu cầu lao động của các công ty ở nhiều quốc gia. Ông Từ Hoàng Ân cho biết: “Trước mắt, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cho các em vay từ nguồn giải quyết việc làm của các ngân hàng đối với trường hợp có lịch bay. Sắp tới, các hội sở của Ngân hàng Trung ương có ý kiến thì đối tượng ngoài chính sách được vay từ ngân hàng thương mại, sẽ giảm áp lực về tiếp cận vốn vay. Riêng đối tượng chính sách vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sau khi ngân hàng ban hành sửa đổi quy chế cho vay, các em sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn ủy thác của ngân sách tỉnh để xuất khẩu lao động”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *