Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Cán bộ thú y thường xuyên thăm đàn để kịp thời phát hiện dịch bệnh tại các hộ nuôi.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đầu năm đến nay đã xảy ra 1 ổ dịch heo tai xanh tại thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), tiêu hủy 10 con, 481kg. Các địa phương có đàn vật nuôi nhiều nhất là các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và một vài xã thuộc địa bàn TP. Cà Mau. Những tháng cuối năm, bà con chủ động tăng số lượng heo nuôi tại các hộ gia đình, do có sự biến động nhẹ về giá.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Dù giá cả heo hơi có tăng nhẹ trở lại nhưng không đáng ngại vì thời gian nuôi lâu, công tác phòng ngừa được chủ động. Các bệnh thường gặp trên heo: Tai xanh, lở mồm long móng… được ngành chuyên môn tầm soát và kiểm soát tốt”.

Các hộ nuôi chủ động phun xịt, tiêu độc khử trùng nhằm phòng tránh dịch bệnh.

Tại các địa phương luôn chủ động trong công tác phòng tránh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, địa điểm tập trung giết mổ.

Chị Thái Thị Phượng, cán bộ thú y xã Khánh An (huyện U Minh): “Hàng năm địa phương mở nhiều lớp tập huấn cho các hộ nuôi về cách vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, cách nhận bệnh trên đàn vật nuôi… Song song đó, vận động các hộ dân có lượng gia súc nuôi lớn chủ động liên hệ với cán bộ thú y xã để tiêm ngừa định kỳ cho đàn vật nuôi”.

Là hộ có gần 10 năm chăn nuôi gà nòi, ông Trương Văn Tiết (Ấp 1, xã Khánh An) luôn tuân thủ công tác phòng ngừa dịch bệnh, ông cho biết: “Gom khoảng 200 con gà thì liên hệ với cán bộ thú y để được tiêm phòng, ngoài ra tôi còn chủ động phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại tránh dịch bệnh. Thời điểm chuyển mùa, tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, 1 tuần vệ sinh 1 lần”. Nhờ cách chủ động phòng dịch bệnh nên thời gian qua đàn vật nuôi của ông luôn khỏe mạnh, vừa tránh được dịch bệnh, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Điều đáng lo hiện nay là mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học đang phát triển mạnh tại các địa phương, nhưng theo ngành chức năng, mô hình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì các hộ chỉ đầu tư từ 1 đến 3 triệu đồng cho lót đệm xử lý môi trường nên chưa được an toàn.

Ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi gà bằng đệm lót sinh học phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sau mỗi đợt xuất chuồng, ngăn ngừa dịch bệnh.

Để mô hình này phát triển bền vững, ông Huy khuyến cáo các hộ nuôi cần chủ động vệ sinh sau mỗi đợt xuất chuồng. Nếu làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại, vừa kích thích vật nuôi lớn đồng đều, vừa đảm bảo phòng tránh được dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, những tháng cuối năm là thời điểm rất dễ bùng phát và lây lan dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm do thời tiết lạnh. Tết Nguyên đán gần kề, để có lượng gia súc, gia cầm phục vụ tốt cho người tiêu dùng, ông Huy khuyến cáo các trạm kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm. Tại các địa phương cần rà soát các hộ nuôi, chủ động phòng ngừa không cho bùng phát dịch bệnh.

Ông Huy trăn trở: “Điều đáng lo nhất hiện nay là tình hình dịch tả lợn châu Phi (bệnh lạ). Dù chưa xuất hiện tại các tỉnh của nước ta nhưng tình hình rất phức tạp, dễ lan rộng; vi rút gây bệnh này sống được trong nhiệt độ lạnh, sống được rất lâu”.

Hiện cả nước đang tập trung phòng tránh dịch bệnh lạ, hiện dịch bệnh đã lây lan sang các tỉnh của Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xâm nhiễm vào nước ta qua đường biên giới. Ngành chức năng khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi ngoài phòng ngừa các bệnh truyền thống trên đàn vật nuôi, cần ý thức hơn trong phòng ngừa bệnh lạ, bảo vệ tốt đàn vật nuôi của gia đình, chủ động tiêm ngừa, khử trùng, vệ sinh chuồng trại; báo cáo ngay diễn biến bất thường của đàn heo nuôi nhỏ lẻ trong dân để có hướng xử lý kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *