Ông Bí thư “Hai Lúa”!

Đã từng vài lần có ý định viết bài về ông, nhưng thú thật tôi cũng gặp đôi chút áp lực khi bắt tay vào thực hiện, nên đành phải bỏ cuộc. Lý do chính là bởi nhà tôi và nhà ông cách nhau một ấp, ông và tôi biết nhau khá lâu. Chính vì có thời gian dài “chơi” với nhau nên tôi biết, ngoài vai trò đầu tàu là Bí thư Chi bộ ấp, Giám đốc một hợp tác xã, ông còn làm rất nhiều việc tốt, có lợi cho nước, cho dân, được mọi người quý mến gọi ông với danh xưng: Ông Bí thư “Hai Lúa”!. Với tôi, danh xưng này dường như đã toát lên tất cả tính cách và con người ông. Nhưng để “khai khẩu” ông nói về mình, thì quả thực tôi đã vấp phải “hòn đá tảng” và luôn thất bại. Bởi ông luôn tìm cách từ chối và là người rất “kiệm lời”.

Và việc gì đến đã đến, tôi đã may mắn nắm cơ hội mà ông “hết đường từ chối”, đó là dịp Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/5 vừa qua, ông quần áo chỉnh tề ra tỉnh nhận Bằng khen của tập thể về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trao tặng cho Hợp tác xã An Thành. Cuộc hẹn “chớp nhoáng” ngay sau đó diễn ra, và tôi đã có được chân dung ông Bí thư Chi bộ ấp, Giám đốc Hợp tác xã An Thành, ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau – Lâm Thanh Điền.

Bài 1: Người “vác tù và hàng tổng”

Dân gian có câu thành ngữ: “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” để chỉ những người chuyên ăn cơm nhà mà đi lo việc thiên hạ, không cá nhân, không vụ lợi… Nay trong cuộc sống hiện đại, tưởng những con người này đã thuộc về quá khứ. Nhưng có dịp đến ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền phong thái bình dị, tất tả ngược xuôi, việc nhà chưa xong đã lo việc ấp, việc xã, việc của hợp tác xã. Chẳng mấy khi người ta thấy ông thảnh thơi, lúc nào cũng đi như chạy, sẵn sàng “vác tù và hàng tổng”.

Ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền giản dị mỗi lần xuống dân.

“Học việc” từ người đi trước

Ở cái tuổi 39, lứa tuổi có thể được xem là còn khá trẻ so với một số bí thư chi bộ ấp của xã Hòa Thành, TP. Cà Mau. Tuy nhiên, ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền lại có quá trình cống hiến cho địa phương để rồi “leo” lên chức Bí thư Chi bộ ấp bằng con đường khá bằng phẳng. Năm 2002, lúc chỉ vừa 21 tuổi, ông tham gia công tác ở ấp, sau đó “lên chức” Bí thư Chi đoàn ấp Cái Ngang, đồng thời là đại biểu HĐND xã trong nhiệm kỳ kéo dài đến 7 năm. Chưa đầy hai năm, năm 2004, khi ấy 23 tuổi, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi làm Phó Ban nhân dân ấp, đến năm 2005 ông được dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban nhân dân ấp. Năm 2006, ông “đậu” chức Bí thư Chi bộ ấp khi vừa tròn 25 tuổi.

Nhận chức Bí thư Chi bộ ấp khi tuổi đời còn khá trẻ, trình độ học vấn chỉ hết lớp 9. Nhiều đêm liền ông mất ngủ vì lo không biết mình có làm tròn nhiệm vụ được giao không, trong khi đó Chi bộ lúc bấy giờ có 9 đảng viên, nhưng chỉ có 4 đảng viên đương nhiệm. Đại đa số đảng viên trong Chi bộ là những cán bộ nghỉ hưu giữ chức vụ lớn trên tỉnh và thành phố, có tuổi đời và tuổi Đảng cao; họ là những người đáng cha, đáng chú về sinh hoạt tại Chi bộ. Do vậy, khoảng thời gian đầu khi nhận chức, ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền cảm thấy lạ lẫm với công việc và áp lực vô cùng.

Nhưng ông tự nhủ, phải “thử” mới biết, bởi tập thể đã tín nhiệm mình. Biến mọi thứ bỡ ngỡ, áp lực thành động lực, ông lao vào công việc, ngoài học để làm quen cách nói chuyện trước đám đông, trong các cuộc họp do mình chủ trì, ông cũng “tự chỉnh đốn” mình bằng cách sinh hoạt, giao tiếp chuẩn mực, từ tốn với mọi người, nhất là với quần chúng nhân dân. Ngoài việc tìm tòi qua sách vở, báo chí, ông cũng luôn tự cho mình là người còn trẻ, non kinh nghiệm, nhưng ông luôn tin rằng, bằng sức trẻ và sự tâm huyết, không ngại khó, luôn cầu thị lắng nghe, tiếp thu những kinh nghiệm, đóng góp thẳng thắn, chân tình của các cán bộ hưu trí, người đi trước, nhất là người tiền nhiệm thì chắc rằng ông sẽ vượt qua. Người có công rất lớn trong việc “cầm tay chỉ việc” cho ông trong xử lý công việc tại địa phương lúc ấy không ai ngoài ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Bí thư Chi bộ ấp. Chính ông Tòng là người thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên và hướng xử lý công việc cho ông mà nhiều “nút thắt” trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, trong công tác xây dựng Đảng của địa phương đã được gỡ rối nhanh chóng. Từ đó công việc cứ quen dần, chạy hơn, ông cũng bắt đầu tự tin hơn về khả năng của mình.

Làm Bí thư Chi bộ ấp Cái Ngang đã nhiều năm, điều trăn trở nhất đối với ông là làm sao “kéo” giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương, trong khi Cái Ngang lại là địa phương kinh tế chủ yếu của người dân dựa vào nuôi trồng thủy sản là chính, thu nhập bấp bênh, người không có công ăn việc làm ổn định phải bỏ xứ đi làm thuê ngoài tỉnh ngày càng nhiều. Tìm cách thoát nghèo đối với họ là bài toán chưa có lời giải. Ông Điền cho biết, vào thời điểm đó, ấp có đến 9 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo, hộ khó khăn cũng không hề ít. Có một vài trường hợp gia đình rất khó khăn, không có tư liệu sản xuất, lại thêm gánh nặng vì phải lo cho người thân mắc bệnh phải điều trị dài ngày, tốn kém tiền bạc, nên như cái vòng luẩn quẩn, họ không thoát ra được cái cảnh nghèo.

Hiện nay ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành đa phần người dân đã cất nhà khang trang.

Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, UBND xã Hòa Thành, trong đó có việc phân công ông Phan Minh Sách – Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp “nằm vùng” để chỉ đạo công tác xóa nghèo, như tiếp thêm động lực cho tập thể Chi bộ ấp. Chỉ trong thời gian ngắn, Chi bộ ấp Cái Ngang, đứng đầu là ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền cùng với các đảng viên trong Chi bộ phân công nhau, bằng nhiều mối quan hệ quen biết đi vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trước mắt xóa nhà ở lụp xụp cho hộ nghèo, sau đó hỗ trợ người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để phát triển các mô hình sản xuất, tạo công ăn việc làm tại chỗ nhằm thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể của ấp cũng luôn chăm lo công tác an sinh xã hội, hằng năm đều vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng quà dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, học bổng, sách vở dịp đầu năm học… cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn và con em người dân địa phương. Từ sự nỗ lực quyết tâm trên, ấp Cái Ngang có gần 200 hộ, khoảng 1.000 người, đến nay chỉ còn 2 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền bộc bạch: “Người làm cán bộ cách mạng phải luôn đề cao trách nhiệm nêu gương trước quần chúng nhân dân, đừng nề hà công việc, dù nhỏ, nhất là công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. Bởi dân giàu thì nước mới thịnh, xã hội bớt đi gánh nặng; con người khi đó sẽ sống nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Đây cũng là cách học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay”.

Ấp đã xây dựng được 4 tuyến lộ bê tông, trong đó có nhiều nhánh kênh, chiều dài trên 8km, rộng 2,5m, với nhiều cầu kiên cố tạo thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng, có được kết quả này đều có công đóng góp của ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền.

Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền còn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đảng viên cơ sở để dự nguồn cán bộ cho địa phương trước mắt cũng như lâu dài. Từ Chi bộ chỉ có 9 đảng viên, đến nay đã nâng lên 13 đảng viên, trong đó có những đảng viên trẻ nhiệt huyết, có phẩm chất đạo đức, đủ năng lực ngang tầm với nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền cũng không khỏi trăn trở: “Cán bộ địa phương, nhất là cán bộ trẻ nằm trong diện dự nguồn, đa phần xuất thân từ gia đình khó khăn, vì áp lực cuộc sống phải lo kinh tế gia đình, nên tư tưởng thường hay dao động, dễ buông xuôi. Làm việc ở ấp đối với họ chỉ là để cho “vui”, vì không có lương và các chế độ thù lao tương xứng với công sức họ bỏ ra, nên họ muốn bỏ việc để đi làm ăn xa. Ấp, khóm, làng, bản không phải là một cấp chính quyền, chỉ là “cánh tay” nối dài đến xã mà thôi. Nhưng khổ nỗi, lâu nay ấp, khóm luôn được xem là cái “túi” chứa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến xã.

Muốn chủ trương, chính sách sớm đi vào đời sống người dân thì cần phải có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm. Nhưng với họ, không thể làm việc bằng “tinh thần”, hay bằng một lời động viên suông, dù có tâm huyết, nhiệt tình đến mấy, đôi khi họ cũng cảm thấy chạnh lòng đâm ra chán nản, muốn bỏ cuộc, mà mình không có lý do gì để kỷ luật hay phê bình họ. Thậm chí còn sợ họ giận dỗi, bỏ việc. Bởi công việc ở ấp thì nhiều, vất vả, không kể ngày, đêm, mưa gió, hễ cần là có mặt họ. Làm gì để họ được hưởng các chế độ, chính sách nhằm cân bằng giữa công việc và gia đình, giúp họ yên tâm cống hiến cho địa phương là câu hỏi khó trả lời vào thời điểm hiện nay ”.

Hiểu được tâm tư của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ, với vai trò là Bí thư, ông Lâm Thanh Điền ngoài việc tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng người, ông còn nhẹ nhàng vận động, thuyết phục, khơi gợi về truyền thống gia đình, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước qua những lần họp Chi bộ hoặc những lần gặp riêng. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay một số cán bộ trẻ vốn từng có ý định bỏ công việc địa phương đi làm ăn xa đã dần nhận ra, tư tưởng giờ đã ổn định, yên tâm cống hiến sức trẻ cho sự phát triển của quê hương, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm kinh tế gia đình, vận động người dân cùng làm theo, góp sức cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nói về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền, ông Phan Minh Sách – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, chia sẻ: “Với gia đình, anh Điền luôn là người gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt. Đối với vai trò là Bí thư Chi bộ, anh luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, tận tụy với công việc, gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nội bộ đoàn kết; kiên định lập trường, tư tưởng vững vàng, có ý thức phòng, chống tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên của Chi bộ. Tỉnh táo trong mọi tình huống, không để kẻ xấu lợi dụng làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Gần 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ, anh không sa đà vào những thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến tư cách của người đảng viên, đến uy tín của Đảng. Kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra những điểm nóng gây mất trật tự an ninh tại địa bàn”.

Người làm cán bộ cách mạng phải luôn đề cao trách nhiệm nêu gương trước quần chúng nhân dân, đừng nề hà công việc, dù nhỏ, nhất là công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. Bởi dân giàu thì nước mới thịnh, xã hội bớt đi gánh nặng; con người khi đó sẽ sống nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Đây cũng là cách học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay

Ông Lâm Thanh Điền, Bí thư Chi bộ ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau.

Với cán bộ, đảng viên của Chi bộ, ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền đều yêu cầu viết bản cam kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua từng phần việc cụ thể. Hàng tháng họp Chi bộ, mỗi đảng viên phải tự đánh giá lại xem trong tháng làm được gì, chưa được gì, nguyên nhân vì sao chưa làm được để đề ra phương hướng khắc phục. Thẳng thắn phê bình, không né tránh, du di, hình thức, nhất là với đảng viên làm việc cầm chừng, làm để đối phó, nhưng lại luôn mềm dẻo, chân tình, nhẹ nhàng, có lý, có tình trong góp ý đảng viên. Với tính cách này của ông, ban đầu anh em cảm thấy khó chịu, về sau họ nhận ra sự chân thành của ông, ra sức khắc phục thiếu sót, từ đó người nhận được phê bình, góp ý tâm phục khẩu phục, vui vẻ. Nhờ vậy mà việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Chi bộ ấp Cái Ngang đã thực sự mang lại hiệu quả, sức mạnh đoàn kết nội bộ được nâng lên, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp trên giao.

Nói dân nghe, làm dân tin

Nói được phải làm được, đó là mệnh lệnh luôn được đặt ra ở ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền. Bởi theo ông, nói mà không làm sẽ làm mất lòng tin của dân. Chứng minh ngay cho tôi một việc nói phải đi đôi với làm của mình, ông kể: “Để góp phần với xã trong xây dựng nông thôn mới, Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận phối hợp với các đoàn thể họp dân vận động góp tiền mắc bóng đèn chiếu sáng dọc theo các tuyến lộ bê tông mới xây của ấp. Mỗi hộ góp 560 ngàn đồng, với tổng số tiền gần 80 triệu đồng. Người dân đồng tình hưởng ứng, nhưng cũng vì nhiều lý do nên gần cả năm sau chuyện góp tiền mắc bóng đèn vẫn không thấy chính quyền “nhúc nhích”. Hôm đó là Ngày hội Đại đoàn kết, người dân đem việc mắc bóng đèn chiếu sáng ra “chất vấn” thẳng tôi ngay cuộc họp. Họ cho rằng, tại sao năm trước ông hứa nhưng không làm, ông giải thích với dân ra sao. Lúc đó tôi bối rối không biết nên giải thích thế nào, cũng may có ông Đỗ Minh Điền – Phó Giám đốc Điện lực TP. Cà Mau cùng dự, ông đã “giải vây” cho tôi và đồng ý hỗ trợ 50% kinh phí, 50% còn lại thì tổ chức vận động trong dân. Như “cá gặp nước”, tôi mừng khôn xiết, bởi đây là cơ hội để mình làm việc có lợi cho dân”.

 Nói thì dễ, nhưng để có gần 80 triệu đồng nộp về Điện lực làm đối ứng thì không dễ chút nào. “Ấp lập đoàn tổ chức đi thu tiền, nhưng thu mãi không được đồng nào, bởi không phải dân không có tiền, mà là họ chưa thấy, chưa tin, nên chưa chịu đóng góp. Bàn tới tính lui với Đảng ủy, UBND xã Hòa Thành, cuối cùng tôi quyết định bỏ tiền túi của mình nộp đối ứng cho Điện lực để họ tiến hành lắp đặt. Khi đèn lắp xong, điện sáng rực xóm làng, người dân mừng ra mặt bắt đầu tin tôi, từ đó không ai nói với ai, chỉ trong một ngày, số tiền gần 80 triệu đồng đã được dân đóng góp đầy đủ. Thế mới biết, bài học về gần dân, nói dân nghe, làm dân tin, tôi cảm thấy thấm thía vô cùng”, ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền nhớ lại. Bên cạnh đó, ông cũng là người biết lắng nghe dân, bảo vệ ý kiến phản ánh đúng của dân, nhất là trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng giao thông nông thôn, đề đạt lên cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định.

Mục đích cuối cùng cũng chỉ là phục vụ cho lợi ích chính đáng của dân. Bởi vậy, trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, khi vận động, người dân đồng tình rất cao, sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân, hiến đất xây dựng lộ giao thông nông thôn chiều dài trên 2km, ngang 2,5m; trồng cây làm hàng rào, tạo cảnh quang môi trường xanh – sạch- đẹp. Với những vụ tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xóm giềng bất hòa, vợ chồng cãi vã…, họ đều tìm đến ông để làm “trung tâm hòa giải”, bởi họ tin vào cách giải quyết có tình, có lý của ông. Và ông cũng không còn nhớ rõ mình đã giải quyết thành bao nhiêu vụ việc, giúp tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Địa bàn ấp Cái Ngang khá rộng, với 200 hộ dân, gần 1.000 người, nhưng ông Bí thư “Hai Lúa” Lâm Thanh Điền không bỏ sót nhà nào; từng hoàn cảnh, từng con người ông đều thấu hiểu, nhớ mặt, nhớ tên. Hằng ngày “lặn lội” xuống dân bằng chiếc xe máy cà tàng, chân mang đôi dép tổ ong, mặc quần đùi, nhưng công việc thì luôn tận tâm, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, đi đến đâu cũng được người dân nhắc nhở, dành sự tin yêu, kính trọng. Ông Bí thư “Hai Lúa” cho rằng, điều hạnh phúc lớn nhất đối với ông là được vợ con luôn ủng hộ, chia sẻ công việc. Với Đảng, nếu còn cần, dân còn tín nhiệm, ông sẽ nguyện  hết lòng phụng sự, dù cho việc đó bản thân có chịu thiệt thòi, miễn sao có lợi cho nước, cho dân.

Về ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau hôm nay, đi trên những con đường trải thảm bê tông rộng thênh thang, màn đêm buông xuống đèn đường sáng rực, mới cảm nhận được vùng đất anh hùng xưa kia trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh, người dân quê nghèo khó, nay sống trong hòa bình xây dựng đất nước, quê hương, mới thấy giá trị của sự yên bình chân chất đến lạ thường. Giá trị ấy được vun đắp từ tình người thôn quê mộc mạc mà chan chứa ân tình, tất cả họ đều sống cho nhau và vì nhau.

Bài cuối: Giám đốc “liều”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *