Tất bật tại trạm cửa ngõ

Mặc dù có cảnh sát giao thông hướng dẫn chạy qua hố sát trùng, nhưng nhiều phương tiện vẫn tránh né.

Tính đến ngày 5/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 ổ dịch tại 24 xã, thị trấn của 7 huyện: Huyện Ngọc Hiển (thị trấn Rạch Gốc, Tân Ân Tây, Tân Ân); Phú Tân (Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm, Nguyễn Việt Khái, Việt Thắng); Năm Căn (Hàm Rồng, Lâm Hải); Trần Văn Thời (Trần Hợi, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Trần Văn Thời, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây Bắc, Lợi An); Đầm Dơi (Tân Dân, Tân Duyệt, Ngọc Chánh, Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc); Thới Bình (Trí Phải); Cái Nước (Trần Thới). Tổng số lợn buộc tiêu hủy hơn 680 con, trọng lượng trên 43,5 tấn.

Lực lượng kiểm tra liên ngành kiểm tra xe máy nghi chở sản phẩm động vật.

Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khẩn trương nhằm ngăn chặn, khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng. Việc trực chốt, trạm luôn được các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Trên địa bàn tỉnh có 130 chốt và 2 trạm kiểm dịch (Trạm Kiểm dịch Định Bình và Trạm Kiểm dịch Quản lộ Phụng Hiệp), được bố trí lực lượng liên ngành gồm cảnh sát giao thông, quản lý thị trường và cán bộ thú y.

Sau khi kiểm dịch, cán bộ thú y niêm phong, kẹp chì phương tiện chở động vật.Kiểm tra, phun xịt khử trùng hoàn toàn xe và động vật sau khi cho nhập tỉnh.

DTHCP gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm. Tổng kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch đến nay ước gần 17,3 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho người thiệt hại ước 1,3 tỷ đồng.

Bên cạnh chi bồi dưỡng cho người tham gia trực chốt, trạm 100.000 đồng/người (ngày làm việc bình thường), 200.000 đồng/người (thứ Bảy, Chủ nhật và lễ), còn có các chi phí khác như xét nghiệm, hóa chất, vôi, thiết bị chống dịch, công tác tuyên truyền… Dự đoán kinh phí sẽ tiếp tục đội lên trong thời gian tới.

Thực hiện Quyết định 793/QĐ-TTg, ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã thông báo về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTHCP để các địa phương thực hiện. Theo đó, thống nhất mức hỗ trợ cho cơ sở chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTHCP với giá 25.000 đồng/kg cho heo con, heo thịt các loại; 30.000 đồng/kg với heo nái, heo đực đang khai thác. Trường hợp heo bị tiêu hủy trước ngày 27/6, việc hỗ trợ được thực hiện tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ.

Theo ghi nhận tại Trạm Kiểm dịch Quản lộ Phụng Hiệp, các phương tiện lưu thông vào địa bàn TP. Cà Mau đều chạy qua hố sát trùng; các xe chở động vật, sản phẩm động vật, sau khi chạy qua hố sát trùng đều dừng lại để thực hiện quy trình kiểm tra. Cùng với đó, trạm còn buộc dừng đối với xe khách, xe tải nghi ngờ có chở động vật hoặc sản phẩm động vật mang mầm bệnh.

Do phương tiện lưu thông nhiều, chạy với tốc độ cao, hố sát trùng đưa vào sử dụng chưa lâu, nên mặc dù có biển hướng dẫn, song nhiều phương tiện vẫn tránh né chạy vào hố sát trùng, khiến lực lượng làm nhiệm vụ càng tất bật, vừa kiểm soát vừa hướng dẫn qua hố, phân luồng giao thông…

Căng mình dưới nắng nóng, mưa dầm, những “chiến sĩ” chống dịch vẫn đảm bảo trực 24/24 giờ, nhằm ngăn chặn DTHCP và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *