Văn nghệ sĩ, nhà báo góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Tý cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị đã qua nhiều đợt lấy ý kiến đóng góp, điều chỉnh, bổ sung. Tại hội nghị này, mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, để từ đó góp phần định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới.

Qua nghiên cứu, các đại biểu đánh giá cao chất lượng nội dung, hình thức bản Dự thảo Báo cáo chính trị, ghi nhận sự làm việc công phu, khoa học của Tiểu ban Văn kiện. 

Nhà báo Nguyễn Nam Phong, Phó Tổng biên tập Báo ảnh Đất Mũi, phát biểu đóng góp.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…  Nhà báo Nguyễn Nam Phong, Phó Tổng biên tập Báo ảnh Đất Mũi cho rằng, việc sắp xếp các cơ quan báo chí của tỉnh đến nay vẫn đang tiến hành, chưa hoàn tất. Đến ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh thì vẫn còn 4 cơ quan báo chí, nhưng trong Dự thảo Báo cáo chính trị chỉ ghi 3 cơ quan báo chí là chưa hợp lý.

Nhà văn Lê Đình Trường nêu quan điểm, trong Dự thảo Báo cáo chính trị chưa thấy được sự tác động của lĩnh vực văn hóa đối với đời sống tinh thần nhân dân, cũng như chưa nêu lên nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn các loại hình văn hóa dân tộc.

Nhà văn Lê Đình Trường quan tâm về sự tác động của lĩnh vực văn hóa đối với đời sống tinh thần nhân dân.

Đồng quan điểm, ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho rằng việc đánh giá các phong trào văn hóa văn nghệ ở nông thôn còn yếu thì chưa sát đúng, cần xem xét lại.

Nhà báo Nguyễn Văn Nghiệp băn khoăn về việc giao rừng cho các công ty tư nhân khai thác, sao không thực hiện việc giao đất rừng cho dân, giúp dân ổn định cuộc sống. Trong xây dựng đô thị động lực, Sông Đốc cũng có nhiều điều kiện phát triển. Về giáo dục, cần nêu lên vấn đề cốt lõi là “học để làm người, chứ không phải làm quan”, không vì chạy theo thành tích mà nhồi nhét kiến thức, sẽ không hiệu quả.

Đại biểu bày tỏ, Dự thảo Báo cáo chính trị chưa nêu lên kịch bản biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp thích ứng; quan tâm vấn đề giải pháp để không còn tình trạng chất thải các khu công nghiệp thải ra sông rạch, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất người dân.

Theo nhà báo Đỗ Chí Công, về việc 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đều có hệ thống xử lý rác thải, đây chỉ là điều kiện để được cấp phép kinh doanh, tuy nhiên kết quả thực hiện như thế nào thì chưa rõ. Đại biểu cũng cho rằng, cần đưa nhiệm vụ xây dựng Văn minh đô thị vào các chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu thực hiện và có đánh giá vào cuối nhiệm kỳ.

Ngoài ý kiến tại hội nghị, các văn nghệ sĩ, nhà báo còn đóng góp qua văn bản gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Ông Trần Văn Tý, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tiếp thu và đánh giá các ý kiến của các đại biểu đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và có giá trị cao. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung hoàn thiện các nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị. Sau hội nghị, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học, trí thức trên địa bàn tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *